Miền Trung - Tây Nguyên cần gần 600.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030
Bộ GTVT vừa tổ chức hội nghị Dự thảo đề án kết nối giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại tỉnh Bình Định.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, tổng nhu cầu đầu tư về hạ tầng giao thông của khu vực miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 596.900 tỉ đồng.
Nhiều cảng hàng không khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa có trung tâm logistics hàng không. Ảnh minh họa: Vietnam Plus.
Các ý kiến, báo cáo tại hội nghị cho thấy, hạ tầng giao thông khu vực thời gian qua có sự đầu tư, nâng cấp nhưng phần lớn còn nhiều "điểm nghẽn", chưa kết nối, đồng bộ. Đặc biệt, chưa có sự kết nối tuyến cao tốc giữa Việt Nam với Lào, Campuchia; kết nối Đông - Tây còn khó khăn...
Bên cạnh đó, nhiều cảng hàng không đã khai thác vượt công suất thiết kế, chưa có trung tâm logistics hàng không...
Ngoài ra, đa số các cảng biển chưa có đường sắt kết nối, chưa có trung tâm ICD, logistics. 1462 km đường sắt Bắc - Nam qua khu vực chỉ có hệ thống ga đạt cấp 3, 4; chưa có tuyến đường sắt kết nối với Tây Nguyên...
Đại diện 19 tỉnh thành trong khu vực đã đưa ra một số kiến nghị với Bộ GTVT, trong đó nổi bật là mong muốn bộ cần sớm quan tâm đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông, kết nối khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tập hợp tất cả kiến nghị, đề xuất của các địa phương để đưa vào đề án kết nối giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thông qua Viện Chiến lược và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
"Trước mắt ưu tiên đầu tư liên kết dọc, như các tuyến cao tốc Bắc - Nam, một số tuyến thuộc đường Hồ Chí Minh. Về liên kết ngang, sẽ đầu tư phát triển hệ thống giao thông Đông - Tây, để khai thác các thế mạnh của các cửa khẩu, cảng biển lớn…", Bộ trưởng Thể cho biết.