|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hạ tầng quá tải dưới sức nóng tăng trưởng du lịch

21:10 | 03/07/2019
Chia sẻ
Sự đổ bộ mạnh của số lượng lớn khách du lịch đã gây ra hoặc làm nghiêm trọng thêm tình trạng ùn tắc, ô nhiễm ở nhiều điểm đến và gia tăng áp lực lên các dịch vụ cơ bản, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định.

Trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã trải qua giai đoạn bùng nổ số lượng khách du lịch, bao gồm cả khách trong nước lẫn khách quốc tế.

Số khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần, từ 4,2 triệu lượt năm 2008 lên mức 15,5 triệu năm 2018. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng nhảy vọt trong 3 năm qua, từ mức bình quân khoảng 9% mỗi năm trong giai đoạn 2008-2015 lên đến con số 25% giai đoạn 2016-2018.

Du lịch trong nước của Việt Nam cũng gia tăng không kém với số lượt khách tăng gấp 4 lần, từ 20,5 triệu năm 2008 lên 80 triệu năm 2018 nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Đây là giới thích đi du lịch và có khả năng chi trả tốt hơn để đi lại bằng đường hàng không trong điều kiện vé máy bay giá rẻ trong nước nhiều lên, World Bank đánh giá trong báo cáo “Điểm lại”.

Do khoảng thời gian du khách quốc tế tăng cao trùng với thời kỳ du lịch trong nước phát triển mạnh, các điểm đến đang phải đối mặt áp lực quá tải hạ tầng ngày càng tăng.

Đặc biệt, thực trạng này càng rõ hơn trong các tháng có sự trùng lặp về mùa du lịch của khách trong nước và quốc tế tại các địa điểm như TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác.

Hạ tầng quá tải dưới sức nóng tăng trưởng du lịch - Ảnh 1.

Số liệu từ World Bank cho thấy tỷ lệ lượt khách du lịch tính trên đầu người tại điểm đến tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây từ mức cao trước đó.

Mật độ du khách tăng trưởng mạnh dẫn đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM.

Mặc dù tầm quan trọng của quy hoạch dựa trên nhu cầu về các điểm đến du lịch được tính đến, tuân thủ quy hoạch thường vẫn có vấn đề, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu và tính bền vững trong phát triển du lịch, World Bank đánh giá.

Theo đó, nhiều quy hoạch chưa được tuân thủ hoặc chỉnh sửa trong quá trình triển khai thường do lợi ích riêng của doanh nghiệp chứ không phải căn cứ vào các chỉ tiêu.

Điều này đôi khi tạo điều kiện cho những dự án đầu tư gây đe dọa đến tính bền vững của phát triển du lịch.

World Bank lấy ví dụ Đà Nẵng – nơi nhiều thửa đất trước đây được quy hoạch cho mục tiêu đất ở dân cư dần bị chuyển đổi thành khách sạn, đặt ra nhu cầu về các dịch vụ cơ bản như điện, nước, rác thải và nước thải lớn hơn rất nhiều so với dự kiến cho đất ở dân cư.

Một ví dụ nữa là sự sinh sôi nảy nở của dịch vụ cáp treo được đầu tư bằng vốn tư nhân trong các vùng du lịch trên cả nước, tạo điều kiện đưa một khối lượng lớn du khách đến những địa điểm chưa nhất thiết đã sẵn sàng cho khối lượng khách như vậy trong các bản quy hoạch du lịch liên quan.

Số lượng khách du lịch tăng trưởng “nóng” dẫn tới tăng trưởng nguồn cung cơ sở lưu trú nhảy vọt, từ đó tạo ra rủi ro quá tải về hạ tầng dịch vụ. Mỗi phòng khách sạn xây mới đều làm tăng nhu cầu về điện, nước, quản lý chất thải và các dịch vụ cơ bản khác.

Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp.

Theo chỉ số về năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) từ năm 2013 đến 2017, những cải thiện bổ trợ về hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ, hạ tầng y tế và vệ sinh vẫn đi sau với khoảng cách đáng kể, thậm chí không đáng kể trong trường hợp vận tải hàng không.

World Bank cho rằng, tại các điểm du lịch hiện đang gặp rủi ro quá tải hoặc đã phá vỡ giới hạn về năng lực, điều quan trọng là phải cân nhắc áp dụng các biện pháp và hệ thống để cải thiện về quản lý luồng khách.

Hạ tầng quá tải dưới sức nóng tăng trưởng du lịch - Ảnh 2.

Khách sạn mọc lên "như nấm" tại các điểm đến du lịch hàng đầu, gia tăng áp lực lên các dịch vụ cơ bản như điện, nước.

Các biện pháp này bao gồm áp dụng giá phân tầng bằng cách thu phí cao hơn để được tiếp cận những điểm có nguy cơ cao hơn, hoặc xác định ngưỡng chi tiêu tối thiểu để đón khách; “thu giá ùn tắc”, trong đó phí thăm quan được thu cao hơn tại một số điểm du lịch nhất định ở thời điểm nhu cầu đạt đỉnh.

Bên cạnh đó, áp đặt chỉ tiêu hạn mức rõ ràng về số lượng khách tối đa được đến những địa điểm nhất định vào thời điểm cụ thể, như chỉ tiêu hạn mức gần đây được các cấp có thẩm quyền áp dụng tại Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc.

World Bank cũng khuyến nghị Việt Nam sử dụng công nghệ số để kiểm soát đám đông, chẳng hạn các ứng dụng để phân bổ du khách theo khoảng thời gian cụ thể, giống với cách tiếp cận gần đây được áp dụng ở El Nido, Philippines.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ và hạ tầng để đảm bảo bền vững ở những điểm đến, đòi hỏi vừa phải đầu tư cho hạ tầng, vừa phải xây dựng và thực thi hiệu lực tiêu chuẩn chất lượng.

Rõ ràng, năng lực hạ tầng của Việt Nam cần được mở rộng để hỗ trợ cho khối lượng du khách tăng lên, cả về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng dịch vụ cơ bản như vệ sinh và quản lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động ngoại ứng tiêu cực về môi trường.

Đầu tư công cho hạ tầng, nếu được tăng lên, cần phải ưu tiên cho những khu vực du lịch hiện đang gặp áp lực về năng lực đáp ứng.

Ngoài ra, hướng phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện sinh thái hơn cũng có thể làm giảm áp lực về hạ tầng ở những vùng thị trường du lịch đại chúng.

Phương Dung

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.