|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Pháp cần 'liều vắc xin' 30 tỉ euro để đối phó với dịch COVID-19

07:51 | 15/03/2020
Chia sẻ
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng, trên toàn cầu cũng như trên đất nước "hình lục lăng" và bộ máy vận hành kinh tế Pháp đang gánh chịu nhiều áp lực.
Pháp cần 'liều vắc xin' 30 tỉ euro để đối phó với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Du khách tham quan bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp, ngày 28/2/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được đánh giá là khốc liệt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cũng dễ kiểm soát hơn nếu các biện pháp khẩn cấp được đưa ra một cách khôn ngoan, nhà kinh tế học Jean-Yves Archer nhận định. Một trong số biện pháp đó là sử dụng "vũ khí ngân sách".

Nơi này, nhân viên thực hiện quyền từ chối đi làm để tự bảo vệ mình. Nơi khác, công sở vắng vẻ do các bậc cha mẹ phải nghỉ làm ở nhà trông con khi trường học đóng cửa. 

Một điều dễ nhận thấy là nguồn cung cấp nguyên vật liệu, chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, đang bị gián đoạn khiến các dây chuyền sản xuất, lắp ráp và hậu cần phải dừng lại.

Theo nhà kinh tế học Jean-Yves Archer, Pháp đang đối mặt với một "cú sốc" về nguồn cung.

 Nếu cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì chất lượng yếu kém của hệ thống ngân hàng, thì cuộc khủng hoảng năm 2020 trực diện hơn, khốc liệt hơn, nhưng có lẽ sẽ dễ kiểm soát hơn nếu các biện pháp khẩn cấp được ban hành một cách khôn ngoan.

Cuộc khủng hoảng năm 2020 sẽ là sự suy thoái của các mệnh lệnh mâu thuẫn, bởi vì nó diễn ra vào đúng thời điểm thế giới đứng trước ngã ba giữa nguyên tắc phòng ngừa, nút thắt Gordian về toàn cầu hóa và sự suy yếu của vũ khí chính sách kinh tế thông thường. 

Nếu đại dịch bùng phát chi phí trực tiếp sẽ rất đáng kể bởi vì, giống như domino, các liên kết của nguồn cung thiếu hụt sau đó sẽ bị chặn liên tục.

Theo một nghiên cứu gần đây của Kho bạc Nhà nước Pháp, nhiều công cụ mới hiện đang nằm trong tay Nhà nước. Phương pháp "rừng ngẫu nhiên" (random forests) và các mô hình nhân tố năng động tỏ ra hiệu quả hơn trong việc dự báo GDP vào đầu mỗi quý, so với một số mô hình truyền thống khác.

Do đó, có thể hy vọng về một cầu nối hoạt động giữa các nhân tố kinh tế vi mô (nghiệp đoàn giới chủ, công đoàn chuyên nghiệp, Phòng thương mại) và các năng lực mới để phát hiện rò rỉ doanh thu của Nhà nước.

Nguyên tắc phòng ngừa sẽ diễn ra vì rất nhiều lý do mà mọi người đều cảm nhận được. Mức độ nhạy cảm của Pháp sẽ chịu phí tổn đáng kể và sẽ tấn công vào tăng trưởng. Dự báo tăng trưởng 1,3% đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hạ xuống còn 0,9% trong năm 2020.

Nếu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng khắp châu Âu trong nửa đầu năm 2020, kịch bản lạc quan nhất cũng không dự báo kinh tế Pháp có thể vượt ngưỡng 0,6%, trong khi kinh tế Italy sẽ rơi vào suy thoái và tăng trưởng kinh tế Đức sẽ dừng ở mức 0,5%.

Điều mâu thuẫn là Pháp có thể tuyên bố " tiếp tục làm việc" trong cuộc khủng hoảng, song tất cả đều biết rằng điều này sẽ không thể thực hiện được ở mọi nơi. 

Các lĩnh vực đầy hứa hẹn như du lịch, biểu diễn nghệ thuật, khách sạn và thương mại đã bắt đầu gánh chịu hậu quả. Không thể cứu vãn được một cơ sở kinh doanh khi doanh thu bị giảm 30% hoặc thậm chí 40%.

Theo nhà kinh tế học Jean-Yves Archer, các cơ quan công quyền phải sử dụng một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ và ngừng nói rằng việc tạm hoãn thu các chi phí đóng góp xã hội sẽ là một giải pháp thích hợp. 

Trên thực tế, một khi suy thoái kinh tế và căng thẳng dòng tiền đã được khắc phục, các công ty – khi có các đơn đặt hàng mới - sẽ phải nghiêm túc tính đến tăng vốn lưu động. Với dòng tiền nào? Với các khoản vay tín dụng ngân hàng nào?

Một điểm mâu thuẫn khác, các chính sách tiền tệ dường như đang ở cuối con đường. Phải chăng người ta sẽ lại phá vỡ giá trị đồng tiền bằng cách hạ lãi suất một lần nữa? Trường hợp của Mỹ là một ví dụ. 

Việc giảm lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 0,5 điểm phần trăm hôm 3/3 chỉ dẫn đến sự phục hồi kỹ thuật, trước khi vòng xoáy đi xuống của Phố Wall (-3,82%) trở lại vào ngày 5/3.

Do đó, "vũ khí ngân sách" cổ điển phải được sử dụng để chống suy thoái. Ông Jean-Yves Archer cho rằng Pháp phải khởi động một kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế với số tiền 30 tỷ euro, tương đương 1/3 khoản thâm hụt ngân sách đã được chấp thuận.

Nếu chính phủ có các phương tiện để phát hiện mọi ngõ ngách ẩn giấu sự phá hủy các nguồn đóng góp cho GDP, như vậy quả bóng nằm trong tay một Nhà nước bảo hộ. 

Nếu công dân phải đề phòng các nguy cơ lây lan dịch bệnh, các cơ quan công quyền phải tránh được "trận mưa lớn", hệ quả từ các "cơn mưa phá sản" sẽ hủy hoại thành quả của cuộc chiến chống thất nghiệp và sẽ làm hư hại lâu dài bộ máy sản xuất.

Linh Hương