|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phân xử thế nào nếu kết quả bầu cử tổng thống Mỹ gây tranh cãi?

07:30 | 27/10/2020
Chia sẻ
Kịch bản Đảng Dân chủ lo sợ là chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ tìm cách phản bác kết quả bầu cử. Hành động này có thể dẫn đến hàng tấn chiêu trò chính trị và pháp lí. Kết cuộc, tổng thống tiếp theo có thể được quyết định bởi sự kết hợp của tòa án, lãnh đạo các bang và Quốc hội.
Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả bầu cử tổng thống Mỹ gây tranh cãi? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Kiện tụng

Dữ liệu bỏ phiếu sớm cho thấy những người theo Đảng Dân chủ bỏ phiếu qua thư nhiều hơn hẳn phe Đảng Cộng hòa. Tại một số bang không đếm phiếu bầu qua thư trước Ngày bầu cử như Pennsylvania hay Wisconsin, kết quả ban đầu có thể có lợi cho ông Trump nhưng sau đó ngả về phía ông Biden.

Theo Reuters, Đảng Dân chủ lo ông Trump sẽ tuyên bố chiến thắng ngay trong Ngày bầu cử rồi khẳng định những lá phiếu gửi qua thư đếm trong những ngày sau là gian lận.

Kết quả bầu cử sát sao có thể dẫn đến kiện tụng về qui trình bỏ phiếu và kiểm phiếu tại các bang "chiến địa". Các vụ kiện tại từng bang riêng lẻ có thể sẽ được chuyển lên Tòa án Tối cao giống như năm 2000. Trong cuộc bầu cử 20 năm trước, ứng viên George W. Bush đã chiến thắng đối thủ Al Gore chỉ với cách biệt 537 phiếu bầu ở Florida sau khi Tòa án Tối cao ngừng việc kiểm phiếu lại.

Ông Trump đã thúc giục Thượng viện xác nhận bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tối cao để phe bảo thủ chiếm đa số 6-3 trong tòa án. Việc có đồng minh trong tòa án có thể mang lại lợi ích cho ông trong trường hợp kết quả bầu cử gây tranh cãi.

Bầu cử đại cử tri

Tổng thống Mỹ không đắc cử nhờ giành được đa số phiếu bầu phổ thông. Theo Hiến pháp, ứng viên giành được sự ủng hộ của ít nhất 270 trong tổng số 538 đại cử tri sẽ trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Năm 2016, ông Trump thua bà Hillary Clinton về số phiếu phổ thông nhưng lại thắng phiếu bầu cử đại cử tri.

Thông thường, ứng viên giành được đa số phiếu bầu phổ thông tại một bang sẽ nhận được toàn bộ lá phiếu đại cử tri của bang đó. Năm nay, các đại cử tri bỏ phiếu vào ngày 14/12. Quốc hội họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu và đọc tên người chiến thắng.

Thường thì các thống đốc xác nhận kết quả bỏ phiếu tại bang của họ và chuyển thông tin tới Quốc hội. Nhưng một số học giả đã vạch ra kịch bản thống đốc và cơ quan lập pháp ở một bang đệ trình hai kết quả bầu cử khác nhau. Các bang "chiến địa" như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và North Carolina đều có thống đốc thuộc Đảng Dân chủ và cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Theo Reuters, các chuyên gia pháp lí nói rằng trong trường hợp này Quốc hội có thể chấp nhận phiếu bầu đại cử tri theo lời thống đốc hoặc bỏ qua mọi lá phiếu của bang.

Dù hầu hết chuyên gia coi kịch bản này là khó xảy ra nhưng thực tế lịch sử Mỹ đã có tiền lệ. Cơ quan lập pháp bang Florida đã từng cân nhắc tự cử đại cử tri của riêng mình trước khi Tòa án Tối cao kết thúc trận chiến giữa ông Bush và Gore năm 2000. Năm 1876, ba bang đề ra "đại cử tri đối chọi", buộc Quốc hội thông qua Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887.

Theo Đạo luật, Thượng viện và Hạ viện sẽ tự quyết định chấp nhận phe "đại cử tri đối chọi" nào. Hiện nay, Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện còn Đảng Dân chủ nắm giữ Hạ viện. Tuy nhiên, việc kiểm phiếu bầu sẽ được thực hiện bởi Quốc hội mới, được tuyên thệ vào ngày 3/1.

Không rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu lưỡng viện Quốc hội bất đồng với nhau.

Đạo luật Kiểm phiếu qui định đại cử tri được chấp thuận bởi "người điều hành" bang sẽ thắng thế. Nhiều học giả giải thích "người điều hành" là thống đốc, nhưng những người khác bác bỏ lập luận đó. Tòa án Mỹ chưa bao giờ giải thích cách gọi này.

Giáo sư Foley của Đại học Bang Ohio cho biết một khả năng khác là Phó Tổng thống Mike Pence sẽ sử dụng cương vị Chủ tịch Thượng viện để loại bỏ mọi lá phiếu của bang có kết quả tranh cãi nếu Quốc hội không thể thống nhất.

Trong trường hợp này, Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri không ghi rõ liệu ứng viên tổng thống vẫn cần 270 phiếu hay có thể chiến thắng nếu nhận được đa số lá phiếu đại cử tri còn lại, ví dụ như 260 trên 518 phiếu sau khi loại trừ đại cử tri của Pennsylvania. 

Các bang có thể yêu cầu Tòa án Tối cao phá vỡ thế bế tắc của Quốc hội, nhưng chưa chắc cơ quan này sẽ sẵn sàng phân xử cách Quốc hội kiểm phiếu đại cử tri.

"Bầu cử dự phòng"

Nếu Quốc hội xác định rằng không một ứng viên nào có đa số phiếu bầu đại cử tri, Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp sẽ kích hoạt "bầu cử dự phòng", tức là Hạ viện sẽ chọn tổng thống còn Thượng viện chỉ định phó tổng thống.

Mỗi đại biểu bang trong Hạ viện được một phiếu bầu. Tính đến nay, Đảng Cộng hòa kiểm soát 26 trên 50 đoàn đại biểu, Đảng Dân chủ kiểm soát 22 đoàn, một đoàn chia đều cho mỗi bên và đoàn còn lại có 7 thành viên Đảng Dân chủ, 6 thành viên Đảng Cộng hòa và một người theo Đảng Tự do.

Cuộc bầu cử dự phòng cũng được tổ chức nếu mỗi ứng viên đều nhận được 269 phiếu bầu đại cử tri và hòa nhau.

Bất kì tranh chấp bầu cử nào trong Quốc hội cũng phải chấm dứt trước thời hạn nghiêm ngặt là 20/1/2021, ngày mà Hiến pháp qui định nhiệm kì của tổng thống hiện tại kết thúc.

Theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, nếu Quốc hội vẫn chưa tuyên bố người chiến thắng tổng thống hoặc phó tổng thống vào ngày 20/1, Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ vai trò quyền tổng thống. Bà Nancy Pelosi, thành viên Đảng Dân chủ, là Chủ tịch hiện tại của Hạ viện.

Giang