[Phần 2] Phù thủy thị trường: Kiên trì rồi cái gì cũng được
Bậc thầy của sự kiên trì
Ed Seykota là một trong những người đi tiên phong trong hoạt động sử dụng hệ thống giao dịch hợp đồng tương lai và được coi là cha đẻ của giao dịch qua máy tính. Một tài khoản của ông có giá trị chỉ 5.000 USD vào năm 1972, sau 16 năm đã tăng trưởng hơn 250.000% lên 12,5 triệu USD.
Bí quyết thành công của Seykota chính là sự kiên trì với các vị thế mua bán của mình. Có lần ông đang bán khống bạc kim loại và giá bạc cứ mỗi ngày lại giảm một ít. Hầu hết các nhà đầu tư khác đều cho rằng giá bạc đang quá thấp và sẽ sớm tăng trở lại, tuy nhiên Seykota vẫn duy trì vị thế bán khống. Ông nói “Xu thế giá là đi xuống và tôi sẽ kiên trì bán khống tới khi nào xu thế thay đổi”.
Một điểm đặc biệt về Ed Seykota là trên bàn làm việc của ông không có máy báo giá (quote machine). Khi được hỏi tại sao, ông thản nhiên trả lời: “Có máy báo giá sẽ khiến tôi suốt ngày dán mắt vào đó. Tôi chỉ cần giá đóng cửa mỗi ngày là đủ”.
Ed Seykota không muốn biết biến động giá trong ngày vì ông cho rằng việc làm này có hai cái hại: một là khiến nhà đầu tư giao dịch nhiều quá mức cần thiết và hai là thanh lý các vị thế đầu tư tốt khi thị trường mới chỉ biến động bất lợi chưa đáng kể.
Ed Seykota - cha đẻ của giao dịch qua máy tính |
Sức mạnh của việc ngồi không
Jim Rogers cho biết, ông luôn đợi tới khi thấy mọi tiêu chí phù hợp đã hội tụ đủ rồi mới quyết định giao dịch, “Tôi chỉ giao dịch khi tôi thấy chắc chắn có lãi, như là chỉ việc cúi xuống và nhặt tiền lên”. Nếu không tìm được cơ hội thực sự chắc chắn, ông chỉ ngồi ôm tiền mặt, để mặc cho thị trường biến động.
Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1985 đến 1994, quỹ Gotham Capital đạt tỷ lệ lợi nhuận bình quân 50%/năm (trước phí) trong đó năm "thất bát" nhất quỹ này vẫn có lợi nhuận 28,5%.
Joel Greenblatt, quản lý quỹ Gotham Capital cũng đồng ý với quan điểm nhà đầu tư không nhất thiết phải luôn luôn giao dịch.
Khi được hỏi cần phải làm gì với những công ty có lợi nhuận khó dự đoán vì thay đổi công nghệ, sản phẩm mới và các nhân tối khác, Greenblatt khuyên nhà đầu tư nên bỏ qua những công ty này và tìm một công ty khác mà nhà đầu tư có thể phân tích và hiểu rõ được hoạt động kinh doanh".
Joel Greenblatt, quản lý quỹ Gotham Capital. |
Nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy từng nói: “Âm nhạc là khoảng lặng giữa các nốt nhạc”, và đầu tư thành công cũng phụ thuộc vào những “khoảng lặng” giữa các lần giao dịch. Những nốt nhạc không được chơi rất quan trọng với âm nhạc, và những giao dịch được bỏ qua cũng rất quan trọng với thành công trong đầu tư.
Một nhà quản lý quỹ có tên Kevin Daly thành lập một quỹ đầu tư vào cuối năm 1999 – tức chỉ khoảng nửa năm trước khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh vào đầu năm 2000. Rõ ràng đây không phải là điểm khởi đầu thuận lợi cho một quỹ chủ yếu chỉ đầu cơ giá lên như quỹ của Daly.
Ấy vậy nhưng trong 11 năm sau đó (1999 - 2010), quỹ của Daly vẫn ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp 872% trong khi chỉ số tham chiếu Russell 2000 chỉ tăng 68% còn chỉ số S&P 500 thậm chí còn giảm 9%.
Làm thế nào mà Kevin Daly có thể đạt được lợi nhuận cao ngất trong khi thị trường chung gần như đi ngang?
Một phần lý do là Kevin Daly đã xuất sắc những chọn được những cổ phiếu tốt, có suất sinh lợi cao hơn thị trường. Một lý do khác, quan trọng hơn, là Daly biết kiên trì ôm tiền mặt khi thị trường đi xuống chứ không vì sốt ruột mà lao vào mua. Chính chiến lược này đã giúp ông tránh được thua lỗ trong hai lần thị trường suy thoái.
Quả vậy, trong giai đoạn 1999-2010, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã hai lần mất gần 50% giá trị thế nhưng lần thiệt hại lớn nhất của Kevin Daly chỉ chưa tới 10%.
Phải là người hết sức kiên nhẫn mới có thể đứng ngoài thị trường trong những khoảng thời gian dài như đợt suy thoái 2000-2002 hay đợt khủng hoảng 2007-2009.
Một nhà đầu tư thành công khác là Mark Weinstein ví von nhà đầu tư chứng khoán cũng phải giống như con báo: “Tuy con báo là loài vật chạy nhanh nhất thế giới và nhưng chỉ khi nào chắc chắn 100% có thể bắt được mồi, con báo mới tấn công. Nó có thể ẩn náu trong bụi rậm cả tuần liền chỉ để chờ một cơ hội thích hợp. Nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng nên như vậy, chỉ khi nào cảm thấy thực sự chắc chắn mới nên giao dịch”.
Nhà đầu tư không những phải kiên nhẫn khi đang cầm tiền mà còn phải kiên nhẫn khi đang “ôm hàng” để tránh rơi mất hàng khi thị trường rung lắc.
Những tay mơ thường thất bại vì thua lỗ lớn, còn dân chuyên nghiệp lại thất bại vì ham lợi nhỏ. Bản năng của con người khiến nhiều nhà đầu tư muốn tối đa hóa xác suất có lợi nhuận thay vì tối đa hóa lợi nhuận, tài khoản của mình chỉ có một màu xanh, muốn khoản đầu tư nào của mình có có lãi dù chỉ là chút đỉnh.
Chính tâm lý này khiến nhiều nhà đầu tư “ăn non”, bán mất hàng khi thị trường rung lắc để rồi sau đó phải nuối tiếc khi nhìn cổ phiếu mình vừa bán tiếp tục bay cao, bay xa. Nếu không giữ lấy những cổ phiếu tốt thì lấy gì để bù vào khoản lỗ của các cổ phiếu kém?