[Phần 1] Phù thủy thị trường: Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật, ai hơn ai kém?
Jim Rogers: Tôi chưa gặp ai giàu lên được nhờ phân tích kỹ thuật
Jim Rogers là một nhà đầu tư tài năng trong lịch sử. Năm 1973, ông hợp tác với huyền thoại George Soros thành lập quỹ Quantum Fund – một trong những quỹ thành công nhất từ trước đến nay. Năm 1980, Rogers rời khỏi quỹ Quantum Fund vì quỹ này đã trở nên quá lớn, kéo theo đó là những gánh nặng rườm rà về quản trị.
Ông quyết định rời khỏi quỹ Quantum Fund để tập trung vào công việc nghiên cứu thị trường và đầu tư theo phong cách phân tích cơ bản. Hai minh chứng thuyết phục nhất cho thành công của Jim Rogers là lần ông đầu tư trên thị trường vàng và lần ông đầu cơ trên thị trường cổ phiếu Nhật Bản.
Thị trường vàng: Tính đến năm 1988, giá vàng đã giảm trong 8 năm liên tục. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn, Jim Rogers quả quyết xu thế giá xuống sẽ còn tiếp tục trong một thập kỷ nữa. Ông nói “Có quan điểm cho rằng vàng là phương tiện tích trữ giá trị tốt nhưng tôi cho rằng quan điểm này là sai lầm. Đã từng có lúc vàng bị mất sức mua, có khi kéo dài liên tục cả chục năm liền”. Quả thực giá vàng tiếp tục giảm trong 11 năm sau đó.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản: cuối thập niên 1980 thị trường này đang trong thời kỳ giá lên đến chóng mặt tuy nhiên Jim Rogers tin rằng thị trường chuẩn bị lao dốc không phanh. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn “Tôi đảm bảo rằng thị trường cổ phiếu Nhật Bản sắp sụp đổ tan thành, có thể là trong một hoặc hai năm tới. Cổ phiếu Nhật Bản sẽ mất 80-90% giá trị”. Thực tế hơn một năm sau, thị trường chứng khoán Nhật Bản đạt đỉnh rồi bắt đầu một đợt suy giảm kéo dài liên tục 14 năm và mất 80% giá trị.
Rõ ràng ý kiến của một người như Jim Rogers là không thể xem nhẹ. Khi được hỏi ông nghĩ thế nào về phân tích kỹ thuật và cách đọc biểu đồ. Ông thẳng thắn “Tôi chưa từng gặp người nào giàu lên nhờ phân tích kỹ thuật, ngoại trừ những người bán sách hoặc dịch vụ phân tích kỹ thuật cho người khác và kiếm tiền từ đó”.
Marty Schwartz (trái) và Jim Rogers (phải). |
Marty Schwartz: 9 năm phân tích cơ bản, giàu lên nhờ phân tích kỹ thuật
Marty Schwartz là một nhà đầu tư cực kỳ thành công khác nhưng phương pháp đầu tư của ông lại là theo phân tích kỹ thuật. Từ tài khoản ban đầu trị giá 40.000 USD, ông đã biến thành tài khoản trị giá 20 triệu USD trong khi không có tháng nào bị lỗ trên 3%.
Hai tháng ông bị lỗ mạnh nhất với tỷ lệ -2% và -3% là những tháng mà hai người con của ông ra đời và ông không thể tập trung vào hoạt động giao dịch. Ông cũng tham gia 10 cuộc thi giao dịch chứng khoán. 9 trong tổng số 10 cuộc thi này có thời hạn 4 tháng và Marty Schwartz đạt suất sinh lợi trung bình 210%/4 tháng. Trong cuộc thi duy nhất có thời hạn 1 năm, ông đạt suất sinh lợi 781%.
Rõ ràng ý kiến của một người như Marty Schwartz cũng không thể bị xem nhẹ.
Ông đã có 9 năm đầu tư bằng phân tích cơ bản nhưng không đi đến đâu và sau đó ông chuyển sang phân tích kỹ thuật. Khi được hỏi ông đã hoàn toàn chuyển từ phân tích cơ bản sang kỹ thuật chưa, ông khẳng định: “Chắc chắn rồi. Tôi luôn luôn cười khi có ai đó nói “Tôi chưa từng gặp ai giàu lên nhờ phân tích kỹ thuật”. Tôi thích câu nói ngạo mạn và hết sức vô lý đó. Tôi sử dụng phân tích cơ bản trong 9 năm liền nhưng cuối cùng chính phân tích kỹ thuật mới giúp tôi trở nên giàu có”.
Phân tích cơ bản và kỹ thuật: Ai hơn ai kém?
Thật khó để tìm ra hai người có quan điểm trái ngược hơn Jim Rogers và Marty Schwartz. Cả hai đều cực kỳ thành công, cả hai đều chỉ sử dụng một trong hai công cụ và tỏ ý ghét bỏ công cụ còn lại. Sự khác biệt này cho thấy: Không có một con đường thành công duy nhất trong đầu tư chứng khoán, không có một bí kíp duy nhất nào bắt buộc các nhà đầu tư phải tuân theo.
Có hàng triệu cách để kiếm tiền trên thị trường chứng khoán. Tất cả những cách này đều khó tìm, nhưng thực tế là có rất nhiều con đường dẫn tới thành công. Có những nhà đầu tư như Jim Rogers thành công nhờ chỉ sử dụng phân tích cơ bản, có những người như Marty Schwartz thành công chỉ nhờ phân tích kỹ thuật, lại có những người thành công nhờ kết hợp cả hai phương pháp.
Muốn thành công trên thị trường, nhà đầu tư cần tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân mình – và mỗi người lại có một phương pháp khác nhau.
Mới nghe thì có vẻ hiển nhiên nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được phương pháp đầu tư phù hợp với mình. Như trường hợp của Marty Schwartz là một ví dụ điển hình, ông đã "lầm đường lạc lối" mất 9 năm trước khi tìm được ánh sáng của đời mình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/