[Phần 1] Trung Quốc đã thực sự nghiêm túc trong các vấn đề môi trường
Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu phế liệu
Với Max Craipeau, một doanh nhân gốc Pháp, hoạt đông kinh doanh đang phát triển vượt bậc. Công ty ở Hong Kong của ông Craipeau đã ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ trong 18 tháng qua với số lượng nhân viên đã tăng gấp 6 lần và doanh thu năm 2019 được kì vọng sẽ dễ dàng tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Vận may của doanh nhân này phần lớn nhờ vào quyết định của Trung Quốc trong tháng 1/2018 về việc cấm nhập khẩu hầu hết phế liệu để phục vụ tái chế.
Động thái đột phá của Trung Quốc đã giúp ông Craipeau, người sáng lập và CEO của Maxco Industries, chuyển từ kinh doanh phế liệu cao su và kim loại sang vận hành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa ở Indonesia và Ba Lan - và một công ty nữa, có thể là ở Nhật Bản.
Lệnh cấm của Trung Quốc, theo ông Craipeau, đã tạo ra "một trật tự mới" trong kinh doanh nhựa phế liệu toàn cầu và là một "cơ hội lớn" đối với ông.
Các thành phần trong ngành với hoạt động đơn giản là mua nhựa phế liệu ở nước ngoài và chuyển thẳng đến Trung Quốc đã đột nhiên biến mất.
Tuy nhiên, với Craipeau, việc đã quen thuộc công việc xuất nhập khẩu phức tạp của lĩnh vực cao su và kim loại đã giúp ông hình thành một mạng lưới liên kết rộng rãi và có thể bắt đầu các nhà máy tái chếnhựa phế liệu.
Câu hỏi đặt ra là khách hàng lớn nhất cho thành phẩm hạt nhựa mà công ty của Craipeau sản xuất là ai? Đó chính là Trung Quốc.
Thành công trong kinh doanh của Craipeau là "một sự may mắn" trong lệnh cấm chất thải của Trung Quốc và nó có thể không phải là thứ duy nhất.
Ban đầu, lệnh cấm khiến doanh nghiệp ô nhiễm trên thế giới phải dời chuyển đến nơi khác, dẫn đến một dòng lớn phế liệu vào các nước Đông Nam Á kém phát triển hơn như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Myanmar – với sự trợ giúp của các công ty trục lợi, buôn lậu và giới quan chức thiếu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Craipeau cho biết việc chuyển giao lượng lớn phế liệu đã buộc hầu hết các quốc gia này phải xây dựng quy định riêng của họ, ngành công nghiệp xử lý chất thải của họ đã sạch hơn trước khi có lệnh cấm của Trung Quốc. Trên thực tế, Thái Lan, giống như Trung Quốc, có kế hoạch chấm dứt nhập nhựa khẩu phế liệu từ năm 2021.
Ảnh: Công nhân đang làm việc tại một nhà máy tái chế phế liệu ở Thái Lan. Nguồn: Asia.nikkei
Kakuko Nagatani-Yoshida, điều phối viên khu vực của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về hóa chất, chất thải và chất lượng không khí tại Bangkok, cho biết: "Tôi thực sự rất vui khi Trung Quốc đã làm điều này - thật tuyệt vời. Đây là một lời cảnh tỉnh cho toàn bộ ngành công nghiệp tái chế, không chỉ ở riêng Trung Quốc".
Thật vậy, lệnh cấm có thể chỉ là một hành động trong những nỗ lực của Trung Quốc để phát triển xanh và làm gương cho các quốc gia khác. Sau 40 năm tăng trưởng kinh tế không kiểm soát, Trung Quốc đang cố gắng làm sạch môi trường và nắm vai trò dẫn đầu thế giới về biến đổi khí hậu.
Kể từ tháng 6/201,7 khi Mỹ tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Paris về khí hậu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành người bảo vệ thực tế cho Hiệp định này nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh nỗ lực toàn cầu hướng tới một tương lai tiêu thụ ít cacbon.