[Phần 1] Điểm lại 10 sự kiện hàng hóa nổi bật 2018: Cơn sốt giá heo hơi, hàng không 'nâng cánh' nông sản
Cơn sốt giá heo hơi
Trong năm 2018, thị trường sản phẩm chăn nuôi đặc biệt chú ý tới biến động mạnh của giá heo hơi.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT), giá heo thịt bắt đầu hồi phục từ tháng 4 sau đúng 1 năm xuống thấp kỉ lục.
Giá heo hơi tiêu chuẩn loại siêu nạc có khối lượng 100 - 120 kg/con đã vượt ngưỡng 30.000 đồng/kg và tăng lên 35.000 - 38.000 đồng/kg trong tháng 4 - 5.
Cơn sốt giá heo hơi |
Sau đó, giá heo hơi tăng cao lên 50.000 - 53.000 đồng/kg trong suốt quí III, có thời điểm ở một số vùng giá heo hơi đã lên đến 55.000 - 58.000 đồng/kg, gây tác động lớn đến việc tăng chỉ số CPI, nhất là thời điểm tháng 6 và tháng 7.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải có ý kiến chỉ đạo Bộ NN&PTNT phải khẩn trương tìm biện pháp kiểm soát giá heo thịt trong nước.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc họp với 12 doanh nghiệp có thị phần chi phối đến thị trường heo thịt trong nước thời điểm tháng 8.
Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp đồng thuận giảm giá bán và tăng lượng heo thịt cung ứng cho thị trường nhằm ổn định ngành hàng thịt heo, hạn chế nguy cơ nhập khẩu ồ ạt heo thịt và.
Đề nghị này đã được các doanh nghiệp đồng tình và giá heo thịt từng bước được kiềm chế theo chiều hướng giảm dần kể từ tháng 10 và tháng 11. Tính đến ngày 30/12, giá heo hơi xuất chuồng bình quân tại các tỉnh miền Bắc duy trì từ 41.000 - 46.000 đồng/kg, miền Trung 42.000 - 50.000 đồng/kg, miền Nam 46.500 - 52.000 đồng/kg.
Dịch tả heo châu Phi bùng phát
Đầu tháng 8, Thẩm Dương là tỉnh đầu tiên của Trung Quốc phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi với 47 con heo bị nhiễm bệnh, tất cả đều chết.
Bệnh dịch bùng phát trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách chuyển đổi từ nuôi heo nhỏ lẻ sang hoạt động chăn nuôi quy mô tập trung. Điều này khiến dịch bệnh lan dễ dàng và khó kiểm soát hơn.
Dịch tả heo châu Phi bùng phát |
Kể từ đó đến ngày 5/12 Trung Quốc đã phát hiện 82 trường hợp bùng phát dịch tả heo châu Phi tại 21 tỉnh, thành phố. Theo đó, số lượng heo bị tiêu hủy là 631.000 con và 35 khu vực nhiễm dịch bệnh tại 8 tỉnh.
Mặc dù lượng heo bị tiêu hủy và chết vì dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số heo sản xuất của Trung Quốc, nhưng lệnh cấm vận chuyển tại các địa phương sản xuất chính khiến nguồn cung bị gián đoạn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá heo giữa khu vực dư cung và thiếu cung.
Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi một số nước châu Âu như Bỉ, Hungary, Ba Lan… cũng đã phát hiện dịch tả heo châu Phi.
Điều này đã dẫn đến lệnh tạm cấm nhập khẩu thịt heo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ hai nước Hungary và Ba Lan bắt đầu từ ngày 20/9.
Tôm, cá tra liên tiếp được Mỹ giảm thuế
Trong tháng 9, ngành chế biến, thị trường Mỹ đem đến hai tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Đầu tiên, Mỹ quyết định giảm thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba basa Việt Nam.
Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Tôm, cá tra liên tiếp được Mỹ giảm thuế |
Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13) là 3,87 USD/kg cho tất cả doanh nghiệp bị đơn của Việt Nam.
Niềm vui được nhân đôi khi Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) hôm 14/9 đã đề xuất với Văn phòng Đăng ký liên bang đăng bản Dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá và cá da trơn vào Mỹ.
Theo đó, các đề xuất này thông báo về việc, FSIS đưa ra quyết định công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn ở Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Mỹ.
Cũng nói thêm, năm 2018 đánh dấu một năm đặc biệt khi xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt ngưỡng kỉ lục trên 2 tỉ USD do giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh. Mỹ lấy lại vị thế là quốc gia tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất sau khi mức thuế nhập khẩu được hạ xuống.
Đối với ngành tôm, mức thuế chống bán phá giá của Mỹ áp lên tôm nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn POR 12 là 4,58% thấp hơn nhiều so với mức sơ bộ 25,39%.
Theo VASEP, năm 2017, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường đều tăng mạnh với giá xuất khẩu tăng cao hơn so với những năm trước, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm 7% còn 659 triệu USD do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá.
Quyết định giảm thuế này đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Theo Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nguồn cung tôm từ Việt Nam tăng 37% so với cùng kì năm ngoái, đạt 8.573 tấn, vượt Ecuador vươn lên trở thành thị trường cung cấp tôm lớn thứ ba của Mỹ. Mức tăng trưởng này đã giúp Việt Nam vượt Ecuador vươn lên trở thành thị trường cung cấp tôm lớn thứ ba của Mỹ.
Nhiều đặc sản vùng miền được dùng phục vụ trong các chuyến bay của Vietnam Airlines
Trong tháng 6, vải thiều Bắc Giang chính thức được đem lên phục vụ hành khách trên những chuyến bay của Vietnam Airlines.
Theo đó, vải thiều Bắc Giang được dùng làm món tráng miệng cho các hành khách hạng Thương gia và hạng Phổ thông Đặc biệt trên các chặng bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Hà Nội từ ngày 15/6 và kéo dài trong khoảng 15 - 20 ngày.
Nhãn lồng Hưng Yên được phục vụ trên chuyến bay của Vietnam Airlines |
Sau vải thiều Bắc Giang, đến tháng 8, nhãn lồng Hưng Yên tiếp tục được Vietnam Airlines “chắp cánh” phục vụ hành khách trên khoang hạng Thương gia trên hơn 70 đường bay từ Hà Nội, TP HCM đi nội địa Việt Nam, châu Á, châu Úc và châu Âu.
Đến tháng 12, Vietnam Airline tiếp tục đưa cam Cao Phong để làm món tráng miệng phục vụ hành khách hạng Thương gia trên gần 70 đường bay của hãng từ Hà Nội, TP HCM đi châu Á, châu Âu, châu Úc và cả trên chặng bay nội địa giữa Hà Nội và TP HCM.
Đây không chỉ là cách mở rộng kênh tiêu thụ mới mà còn là cơ hội quảng báo đặc sản các vùng miền đến bạn bè quốc tế.
Qatar rút khỏi OPEC
Quyết định này được tuyên bố ngay đầu tháng cuối cùng của năm 2018 khiến thị trường dầu thô không khỏi bất ngờ.
Qatar rút khỏi OPEC |
Theo đó, phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết quốc gia này sẽ rút khỏi OPEC vào ngày 1/1/2019, chấm dứt tư cách thành viên kéo dài trong hơn 50 năm.
Qatar là một trong những nước sản xuất nhiều dầu thô nhất trong OPEC. Đồng thời đây cũng là một trong những nước sản xuất khí gas hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Được biết, quyết định ra đi này của Qatar không liên quan đến chính trị, đặc biệt là chính sách tẩy chay kinh tế và chính trị kéo dài trong 18 tháng của Doha.
Ông al-Kaabi cho biết sau khi rời OPEC, Qatar sẽ tập trung phát triển ngành khí đốt của mình, với mục tiêu tăng sản lượng khí gas hóa lỏng lên tới 110 triệu tấn vào năm 2024.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/