|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Bệnh nhân giai đoạn này nặng hơn, tiến triển nguy kịch nhanh hơn giai đoạn trước

10:47 | 31/07/2020
Chia sẻ
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết trong giai đoạn này, bệnh nhân mắc các bệnh lí nền nhiều hơn, tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn. Riêng với BN437, dù các thầy thuốc đã tập trung hội chẩn, tăng cường điều trị, tuy nhiên, bệnh nhân này tiên lượng rất nặng, nặng nhất, rất dè dặt.

Theo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, từ đầu mùa dịch đến nay, hội đồng chuyên môn, các thầy thuốc điều trị COVID-19 đã rất vất vả trong hội chẩn, điều trị, tìm ra phác đồ ưu việt nhất với từng bệnh nhân nặng như bệnh nhân 19, 91, 161... nhưng đợt này, chỉ trong thời gian ngắn, tỉ lệ bệnh nhân nặng nhiều hơn so với đợt trước.

"Không chỉ thế, đợt này, bệnh nhân mắc các bệnh lí nền nhiều hơn, tình trạng nguy kịch đến nhanh hơn", PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thông tin.

Theo nghiên cứu, giải trình tự gene của các nhà khoa học, chủng SARS-CoV-2 mới (chủng thứ 6 ở Việt Nam) phát hiện được ở Đà Nẵng có khả năng lây lan nhanh.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 phát hiện và công bố trong những ngày qua có nhiều bệnh nhân là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lí tim mạch, thận, thậm chí ung thư.

"Chúng tôi không so với thế giới, chỉ so với những bệnh nhân ở Việt Nam, rõ ràng bệnh nhân giai đoạn này nặng hơn, tiến triển nguy kịch nhanh hơn giai đoạn trước", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Nỗ lực cao nhất để điều trị các ca bệnh COVID-19 rất nặng diễn tiến nhanh - Ảnh 1.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh - Bộ Y tế (Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống).

Ông cho biết đến nay, trong số các ca bệnh mới ghi nhận đã có nhiều bệnh nhân tiến triển nặng. Tính đến ngày 30/7, Việt Nam có thêm một số ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Đà Nẵng, đặc biệt là các bệnh nhân tiên lượng rất nặng: BN 416, BN 418, BN 428, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438; một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433...

Đa phần trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.Trong đó, hai bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), thở máy, lọc máu liên tục (416 và 437), một số bệnh nhân thở máy (436, 438, 418) đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh nhân 416 là ca COVID-19 tại cộng đồng đầu tiên phát hiện trong đợt này, diễn biến nhanh, từ ngày 25/7 đã thở máy, đặt ECMO. Hiện tại, tình trạng đã khá hơn, giảm các triệu chứng.

Về bệnh nhân 437 thì người này đang trong tình trạng nguy kịch, được sử dụng ECMO. Bệnh nhân này tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19.

Dù các thầy thuốc đã tập trung hội chẩn, tăng cường điều trị, tuy nhiên, bệnh nhân 437 tiên lượng rất nặng, nặng nhất, rất dè dặt"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Để "chia lửa" với Đà Nẵng trong công tác điều trị, Bộ Y tế đã lên phương án chuyển 4 bệnh nhân COVID-19 nặng, có bệnh lí nền từ Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. 

Những bệnh nhân nhẹ hơn được chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang - Đà Nẵng.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường nhân lực tinh nhuệ, nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị, phương tiện xét nghiệm cho Đà Nẵng, Quảng Nam trong điều trị COVID-19. 

Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhiệt đới TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM... tiếp tục đến hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam.


Minh Hằng