PGS TS. Ngô Trí Long: Vẫn xuất hiện tình trạng hai giá vàng, 'chợ đen' cao hơn giá vàng của ngân hàng và SJC
Bàn về câu chuyện quản lý thị trường vàng tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2024 diễn ra ngày 3/7, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực bình ổn nhưng vẫn xuất hiện tình trạng hai giá vàng SJC.
Xuất hiện vàng hai giá
Trong đó giá vàng “chợ đen” cao hơn giá vàng ở Công ty SJC và ngân hàng quốc doanh 3-4 triệu đồng/lượng, ông Long nói.
Theo ông, sự bất ổn của thị trường vàng thể hiện ở giá vàng trong nước quá xa so với giá vàng thế giới, dẫn đến hệ luỵ buôn lậu vàng gây thất thoát ngoại tệ, trốn thuế...
Từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước xáo trộn, giá vàng miếng SJC từng đạt mức 92,4 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng trong nước tăng cao do giá vàng thế giới tăng mạnh và mất cân đối cung - cầu, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao.
Trước vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu và sau đó tiếp tục chuyển sang bán vàng qua 4 ngân hàng có vốn Nhà nước và SJC theo giá Nhà nước quyết định.
Điều này dẫn đến tình trạng hai giá vàng, giá vàng của các đơn vị khác một giá, giá "chợ đen" cao hơn 3 - 4 triệu so với giá bán tại các ngân hàng có vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, mặc dù đã giảm được giá vàng SJC và thu hẹp khoảng cách với vàng quốc tế nhưng liệu có giữ giá này được bền vững lâu dài hay không?, ông Long đặt vấn đề.
"Thứ hai là chúng ta muốn bình ổn giá vàng bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và lạm phát. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét phương án khác hiệu quả hơn", PGS TS. Ngô Trí Long nói.
Việc nhập khẩu vàng thế giới để bình ổn giá vàng trong nước, theo tính toán của Hội đồng vàng thế giới một năm sẽ khoảng 30 - 40 tấn vàng, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD.
Vị chuyên gia này đặt vấn đề về liệu có đủ tiềm lực để duy trì nhập khẩu để đáp được cái nhu cầu vàng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nếu chỉ tập trung đáp ứng cho cái nhu cầu của người mua sẽ tác động đến lạm phát bởi người dân mua vàng để tiết kiệm chứ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
"Nếu tiếp tục tung vàng ra để bán theo phương thức hiện nay dù đạt được kết quả ban đầu là giảm giá vàng nhưng vẫn gây rất nhiều bất cập, nhiều người có nhu cầu nhưng không mua được vàng hoặc dẫn đến tình trạng xếp hàng mua hộ, xuất hiện hai giá vàng", ông Long nói.
Tránh để dòng tiền nằm im trong vàng
Để góp phần giải quyết bất cập của thị trường vàng, ông Long cho rằng phải xác định nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cách xa giá thế giới.
Trong đó có một số nguyên nhân chính như do quan hệ cung cầu, cung không đáp ứng đủ cầu khiến giá tăng, cơ chế quản lý, haythiếu một thị trường giao dịch tập trung hay nói cách khác là không có sàn giao dịch. Việc giao dịch phân tán nhỏ lẻ dẫn đến thị trường thiếu minh bạch và nảy sinh nhiều vấn đề.
Ngoài ra, khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản trầm lắng, lãi suất thấp nên dòng tiền đổ vào kênh đầu tư vàng do tỷ suất sinh lời và thanh khoản cao.
Nêu kiến nghị, giải pháp cấp bách, tình thế trong ngắn hạn, ông Long kiến nghị cơ quan chức năng nên nhập khẩu vàng chính ngạch để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Ngân hàng Nhà nước chỉ nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt.
Theo chuyên gia, giải pháp bình ổn hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng nhu cầu vàng của người dân về số lượng. Người dân mua số lượng nhiều cũng không dễ dàng do các đơn vị bình ổn vàng bán với số lượng hạn chế, mỗi lần chỉ được mua một lượng.
Ông cho biết, theo kinh nghiệm của một số nước như Mỹ và châu Âu ở thời điểm giá vàng căng thẳng, người dân không được giữ vàng vật chất, chỉ được giữ chứng chỉ vàng và gửi vàng ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng có thể trả lãi suất cho người gửi vàng, chuyên gia cho hay.
Vị chuyên gia này cho biết, ba giải pháp quan trọng cần làm ngay để xử lý triệt để các vấn đề của thị trường vàng là cần sửa Nghị định 24, tách chức năng quản lý và kinh doanh vàng, chống vàng hoá không thể bằng biện pháp hành chính.
"Trên thế giới không có quốc gia vào mà đơn vị quản lý lại tham gia vào kinh doanh vàng mà chỉ nên quản lý thông qua các công cụ thuế, phí. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ việc đánh thuế với vàng để tránh xảy ra sự bất công với các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản cũng như đưa ra các sắc thuế phù hợp", chuyên gia nói.