Petrolimex kì vọng phương án sáp nhập HDBank và PG Bank sẽ được phê duyệt cuối cùng vào tháng 6/2020
Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về triển vọng hoạt động của công ty trong thời gian tới.
Đáng chú ý, lãnh đạo Petrolimex đặt mục tiêu nhận được phê duyệt cuối cùng đối với đề xuất sáp nhập HDBank - PG Bank vào tháng 6/2020.
Hiện đề xuất sáp nhập PG Bank và HDBank đang được trình lên Ngân hàng Nhà nước và đang chờ đợi phê duyệt cuối cùng. Petrolimex đang nắm giữ 40% cổ phần của PG Bank và dự kiến sau khi hợp nhất công ty sẽ sở hữu 5,8% cổ phần của HDBank.
Sau hợp nhất, Petrolimex sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 730 tỉ đồng (theo giá hiện tại của cổ phiếu HDB là 28.350 đồng/cp).
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong năm 2020 do giúp thúc đẩy lợi nhuận 2020 tăng thêm khoảng 15%.
Kết quả kinh doanh dự phóng của Petrolimex đến năm 2021
Nguồn: VCSC.
Petrolimex là công ty hàng đầu trong mảng phân phối sản phẩm xăng dầu với 50% thị phần. Công ty có 2.500 trạm COCO (do chính công ty sở hữu và vận hành, bán lẻ) và 2.800 trạm DODO (do đại lí sở hữu và vận hành, bán buôn).
Ngoài ra, công ty còn tham gia các mảng kinh doanh khác bao gồm hóa dầu (dầu nhờn, nhựa đường), khí hóa lỏng (LPG), vận chuyển xăng dầu, bảo hiểm và ngân hàng.
Với kết quả kinh doanh tích cực ở mảng nhiên liệu máy bay và tăng trưởng sản lượng bán trong nước (6%), lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Petrolimex tăng 96% so với cùng kì năm trước. Ban lãnh đạo công ty có nhận định tích cực cho lợi nhuận quí IV và cả năm 2019.
Đại diện công ty cũng cho biết sẽ thử nghiệm dịch vụ bảo trì xe và rửa xe tại cây xăng từ năm 2020, đây là dịch vụ được đánh giá là có tiềm năng cao tại các trạm xăng do xu hướng nhiều người dần sở hữu xe hơi thay vì xe máy.
Petrolimex đã hoàn thành giai đoạn 1 là phân tích và phân loại nhóm các trạm xăng phù hợp cho việc triển khai các dịch vụ này và đang trong giai đoạn 2 là tìm kiếm mô hình dịch vụ hợp lí nhằm phát triển và đặt mục tiêu thử nghiệm tại các trạm xăng trong năm 2020.
Bên cạnh đó, Petrolimex cũng tính đến phương án kinh doanh khí nhập LNG ngoài việc thuần túy thu cước phí. Với công suất lớn khoảng 6-10 triệu tấn khí nhập khẩu LNG, công ty có thể triển khai trung tâm phân phối khí tại miền trung Việt Nam.
Petrolimex dự kiến sẽ hợp tác với Tập đoàn điện lực Việt Nam để phát triển dự án này.
Giai đoạn 1 của dự án bao gồm một cảng LNG (công suất 3 triệu tấn/năm) và hai nhà máy điện khí (công suất 3,000MW). Tổng chi phí đầu tư của giai đoạn một là 700 triệu USD. Hiện công ty đang chờ phê duyệt về nguyên tắc của Bộ Công Thương trước khi tiến hành nghiên cứu tiền khả thi cho dự án.
Theo đánh giá của VCSC, dự án này mang lại tiềm năng lớn cho triển vọng dài hạn của Petrolimex, đặc biệt trong bối cảnh nhập khẩu khí LNG là cấp thiết khi mà Việt Nam được dự báo là thiếu khí từ năm 2023.
Ngoài ra, Petrolimex cũng triển khai một số dự án như cây xăng tự phục vụ, hệ thống kho tự động, thử nghiệm hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt,... cho thấy nhiều tiềm năng tích cực cho hoạt động của công ty.
Trạm xăng khách hàng tự phục vụ của Petrolimex (Ảnh: Petrolimex).