OPEC bắt đầu lên phương án ngưng giảm sản lượng dầu thô
Thỏa thuận của OPEC có cứu được giá dầu thô trong năm 2018? | |
OPEC: Mỹ và các nước đối thủ làm chậm quá trình tái cân bằng của thị trường dầu mỏ |
[Infographic] Giá dầu thô năm 2018 sẽ ra sao? |
Ngày 30/11, Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác do Nga dẫn đầu đã thống nhất duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018 nhằm giảm kho dầu dự trữ tại các nước phát triển. Tuy nhiên, hai nguồn tin riêng của Reuters cho biết ban thư ký của khối này tại Vienna đã được yêu cầu phác thảo một bản kế hoạch với các phương án khác nhau và hiện vẫn còn quá sớm để bàn về chi tiết của kế hoạch này.
“Đó là chiến lược mang tính kế thừa, không hẳn là chấm dứt hoàn toàn”, một trong hai nguồn tin cho biết.
Một người gắn logo OPEC bên ngoài trụ sở của khối trước cuộc họp ngày 29/11. Nguồn: Heinz-Peter Bader/Reuters. |
Giá dầu thô tăng vọt trong năm qua và hiện giao dịch gần 64 USD/thùng, gần mức cao nhất kể từ năm 2015, nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các đối tác. Cũng theo hai nguồn tin này, giá dầu thô hiện cao hơn giá sàn 60 USD/thùng mà OPEC muốn duy trì trong năm 2018.
Trước đó, các bộ trưởng năng lượng thuộc khối OPEC cho biết vẫn còn quá sớm để nói về khả năng chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Mục tiêu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng là giảm kho dầu dự trữ tại các nền kinh tế phát triển xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Thỏa thuận này đang cho thấy hiệu quả. Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait ngày 20/12 cho biết, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào tháng 1, kho dầu dự trữ đã giảm 200 triệu thùng. Tuy nhiên, kho dầu dự trữ tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong tháng 10 vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm 137 triệu thùng.
OPEC và các quốc gia đối tác sẽ nhóm họp cấp bộ trưởng lần tiếp theo vào tháng 6/2018, đây có thể là cơ hội để hai bên quyết định lại tương lai của thỏa thuận này.
Nga, quốc gia ngoài OPEC giảm sản lượng dầu mỏ nhiều nhất, từng đề nghị cân nhắc lại thỏa thuận này vào tháng 6 năm sau. Tuy nhiên, công ty dầu mỏ lớn nhất nước này Rosneft cho biết việc giảm sản lượng có thể kéo dài đến năm 2019.