|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc, dấu hiệu cho thấy đàm phán thương mại đang đi đến hồi kết

14:13 | 04/04/2019
Chia sẻ
Bloomberg đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng vào hôm nay (4/4) khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã bước vào giai đoạn cuối cùng.
Ông Trump gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc, dấu hiệu cho thấy đàm phán thương mại đang đi đến hồi kết - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có mặt tại Washington vào ngày 3/4.

Đàm phán thương mại sắp đến hồi kết, lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ cùng kí kết một thỏa thuận?

Các cuộc thảo luận đang tiếp tục diễn ra tại Washington, nơi ông Lưu Hạc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào hôm qua (3/4).

Mục tiêu trong vài ngày tới là đạt được một thỏa thuận liên quan các vấn đề cốt lõi để Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tổ chức một buổi kí kết thỏa thuận.

Các bản thảo của thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài gần một năm qua sẽ cho Bắc Kinh thời hạn đến năm 2025 để đáp ứng các cam kết mua hàng hóa và cho phép các công ty Mỹ hoàn toàn sở hữu doanh nghiệp tại Trung Quốc, Bloomberg trích dẫn nguồn thạo tin cho hay.

"Cả hai bên đều muốn đạt được một thỏa thuận nhưng họ muốn chắc chắn đó là một thỏa thuận phù hợp với người dân tại mỗi nước", ông Tai Hui, chiến lược gia trưởng tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương của JPMorgan Asset Management (có trụ sở tại Hong Kong).

Thị trường chứng khoán châu Á đã rời khỏi đỉnh 6 tháng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm dấu hiệu tiến triển của cuộc đàm phán. Tỷ giá nhân dân tệ tự do ghi ở mức 6,7173 đổi một đồng USD.

Khi các cuộc đàm phán được nối lại vào sáng ngày 3/4, cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump đã gợi ý về sự lạc quan trong tiền trình đàm phán nhưng cảnh báo một thỏa thuận thương mại cuối cùng vẫn chưa chắc chắn.

Các nhà đàm phán đang có làm tốt, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với các phóng viên tại một sự kiện ở Washington. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đến được đích và chúng tôi hi vọng trong tuần này, cả hai nước sẽ tiến gần hơn đến một thỏa thuận", ông Kudlow nói.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thảo luận về thời điểm hai nhà lãnh đạo có thể ngồi xuống kí kết thỏa thuận thương mại. Một cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể được công bố sớm nhất vào hôm nay.

Sau khi nhóm của ông Tập Cận Bình bỏ ngõ lựa chọn về một chuyến viếng thăm chính thức đến Washington, Trung Quốc đã từ chối một cuộc họp trên đất Mỹ và thay vào đó là một nước thứ ba trung lập, theo nguồn tin thân cận.

Trong khi các quan chức Nhà Trắng bày tỏ sự lạc quan thận trọng trong những ngày gần đây về việc đạt được một thỏa thuận trong tương lai gần, việc Mỹ quyết định bán máy bay chiến đấu cho Đài Loan có thể ảnh hưởng đến kết quả các cuộc đàm phán trong tuần này cũng như hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo thỏa thuận được đề xuất, việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ, gồm đậu nành và các sản phẩm năng lượng, cho đến năm 2050, và cho phép doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc sở hữu 100% vốn được coi như một cam kết đảm bảo, theo đó nếu không thực hiện được có thể sẽ dấy lên sự trả đũa từ phía Mỹ.

Còn những cam kết không đảm bảo khác mà Trung Quốc đã đưa ra để triển khai vào 2029 sẽ không vấp phải sự trả đũa tiềm tàng từ phía Mỹ, các nguồn tin cho biết và không giải thích thêm.

Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là lá bài giúp ông Trump tái đắc cử?

Khung thời gian giới hạn như trên đặt ra câu hỏi về việc liệu một thỏa thuận có thể định hình lại mối quan hệ kinh tế lâu dài giữa Mỹ - Trung Quốc, thay vì chỉ đơn giản là một chiến thắng chính trị cho ông Trump trước thềm chiến dịch bầu cử năm 2020.

Mặc dù hai nước đã đạt được một số tiến triển trong đàm phán thương mại, giải quyết các vấn đề gây tranh cãi hơn, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ cưỡng bức, mất nhiều thời gian hơn.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã không phản hồi ngay lập tức các câu hỏi được gửi qua fax từ Bloomberg. Nhà Trắng đã chuyển các câu hỏi đến Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) và cơ quan này cũng chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận.

Nhà Trắng đang đặc biệt tập trung vào các giao dịch mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc trong quí II/2020, trong một nỗ lực nhằm thu hẹp cán cân thương mại trước thềm chiến dịch bầu cử lần hai của ông Trump.

Vì lí do đó, Mỹ đang thúc ép Trung Quốc mua trước một lượng hàng hóa lớn trong hai năm đầu thỏa thuận được thực thi, theo nguồn tin thân cận.

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc đã đạt mức kỉ lục 419,2 tỉ USD năm 2018.

Hai bên vẫn đang tranh luận về cách thức thực hiện thỏa thuận - ông Lightizer vốn cho rằng đây là vấn đề chính trong các cuộc đàm phán.

Trong phiên điều trần trước quốc hội vào tháng 2, ông Lighthizer - nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump - cho biết Mỹ muốn có quyền thực hiện hành động đơn phương và "xứng đáng" với Trung Quốc nếu nước này không tuân thủ các qui tắc.

Theo Bloomberg, Trung Quốc gần đây chỉ đồng ý xem xét việc tránh trả đũa nếu Mỹ có hành động chống lại Bắc Kinh, nhưng không đưa ra một cam kết chính thức để kiềm chế đáp trả.

Một trong những vấn đề cuối cùng là chuyện gì sẽ xảy ra với mức thuế quan mà hai bên đã áp lên 360 tỉ USD hàng hóa của mỗi nước trong 9 tháng qua. Ông Trump đã gợi ý rằng ít nhất một số mức thuế sẽ được giữ nguyên bởi theo ông, những mức thuế quan này là cần thiết trong một khoảng thời gian đáng kể nhằm đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận.

Thỏa thuận sắp tới có thể sẽ gồm các mốc thời gian, chẳng hạn như 90 ngày và 180 ngày sau khi kết kết, theo đó Trung Quốc sẽ được yêu cầu thực hiện các cam kết chính, nguồn tin cho biết và không giải thích thêm.

Trần Nam Thi