|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phái đoàn Mỹ, Trung 'soi' từng chữ trong quá trình đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại

22:56 | 29/03/2019
Chia sẻ
Xem xét từng chữ trong dự thảo nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là việc mà hai bên thực hiện rất cẩn thận, bởi từng chữ đều có thể ảnh hưởng tới kết quả đàm phán.

Khi các nhà đàm phán từ Trung Quốc và Mỹ ngồi xuống trong Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở thành phố Bắc Kinh để tiến hành vòng đàm phán mới nhất nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, một trong nhiều thứ trong tâm trí họ là sự cần thiết của việc chọn lựa ngôn từ cẩn thận để tránh hiểu lầm.

Mặc dù hai bên cũng phải xử lý một số vấn đề gai góc – như bảo vệ tài sản trí tuệ hay khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, họ cũng coi khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa là một trong những trở ngại chính đối với việc đạt một thỏa thuận.

Phái đoàn Mỹ, Trung soi từng chữ trong quá trình đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer (ngoài cùng, bên phải), và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (thứ hai, từ phải sang) dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ tới thành phố Bắc Kinh hôm 28/3 để chuẩn bị cho vòng thương lượng tiếp theo. Ảnh: AP

Phát biểu bên lề một sự kiện tại Hội đồng Đối ngoại ở thủ đô Washington mấy hôm trước trong tuần này, Michael Pillsbury – một nhà cố vấn không chính thức của Tổng thống Donald Trump, cảnh báo rằng những hiểu lầm có thể cản trở cơ hội đạt thỏa thuận giữa hai nước.

Michael Pillsbury cũng cảnh báo sự thiếu vắng một phiên bản tiếng Trung của dự thảo thỏa thuận 120 trang là một mối nguy tiềm năng. Ông nói thêm rằng: "Khi chuyển nghĩa sang tiếng Trung, bạn sẽ thấy rất nhiều sắc thái và lựa chọn trong cách diễn giải".

Giới truyền thông Trung Quốc cũng nhận định các cuộc đàm phán trở nên căng thẳng hơn nhiều trong những vòng cuối, bởi mọi từ đơn lẻ trong dự thảo đều có thể tác động tới kết quả.

Taoran Notes, một tài khoản mạng xã hội có mối liên hệ với truyền thông nhà nước, hai bên đang thảo luận "từng chữ và từng thuật ngữ" trong nội dung dự thảo hiệp định.

Trong một cuộc họp video về nông nghiệp, hai bên không thể nhất trí về việc một từ có thể được sử dụng trong dự thảo hay không.

"Do việc sử dụng từ đó, hai bên tranh luận hơn 2 giờ. Cuối cùng, hai bên không thể nhất trí về nó mà phải gác lại (để thảo luận sau)", Taoran Notes mô tả.

Phái đoàn Mỹ, Trung soi từng chữ trong quá trình đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Trung Quốc tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (bên phải) và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại thành phố Bắc Kinh. Ảnh: AP

Song Taoran Notes cũng nhấn mạnh rằng động cơ phía sau những tranh cãi về thuật ngữ là những lợi ích xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.

Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, đồng ý một phần về các cuộc tranh luận.

"Lợi ích và những vấn đề cốt lõi là yếu tố phía sau các cuộc thảo luận về ngôn ngữ. Vấn đề khiến họ tranh luận là hàm ý và sự nhượng bộ sau mỗi từ", Wang bình luận.

Dù quá trình đàm phán diễn ra chậm, ít nhất có vẻ như hai bên đã đạt một số thành tựu.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, sau khi phái đoàn Mỹ, do đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin dẫn đầu, đến Bắc Kinh vào chiều 28/3, các cuộc đàm phán bắt đầu gần như ngay khi họ vào khách sạn.

Toaran Notes tiết lộ rằng hai bên hủy tiệc chiêu đãi và thay thế bằng một "bữa tối làm việc" để họ có thể tiết kiệm thời gian và nói chuyện trong lúc ăn.

Nhạc Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.