|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông trùm vận tải biển: Sở hữu đội tàu lớn nhất thế giới, bất chấp rủi ro để kinh doanh trong những cuộc chiến tranh

07:32 | 08/07/2021
Chia sẻ
John Fredriksen đồng thời cũng từng lọt top những người có ảnh hưởng nhất ngành vận tải biển thế giới vào năm 2014.
Ông trùm vận tải biển: Sở hữu đội tàu lớn nhất thế giới, bất chấp rủi ro để kinh doanh trong những cuộc chiến tranh - Ảnh 1.

Ông Fredriksen từng tham gia bán dầu trong cuộc chiến Iran và Iraq. (Ảnh: Vyapaar Jagat).

John Fredriksen được biết đến là ông trùm vận tải người Na Uy khi quản lý đội tàu cùng công ty khoan dầu giá trị nhất thế giới, theo Gcaptain.

Fredriksen được sinh ra ở Na Uy, trong một gia đình công nhân với bố là một thợ hàn. Ông bắt đầu kiếm sống bằng nghề môi giới dịch vụ tàu biển tại New York, Singapore và Athens sau khi tốt nghiệp phổ thông vào những năm 1960.

Năm 1973, ông mua chiếc chuyên cơ chở hàng đầu tiên của mình mang tên Caricom với giá 700.000 USD. Tuy nhiên, nó đã bị hỏng động cơ khi đang di chuyển trên các vùng biển tại Caribe.

Cuộc hành trình của ông trùm vận tải biển giống như một bộ phim kinh dị. Ông cũng từng học cách buôn bán dầu Beirut cho quân đội Mỹ tại một số cuộc chiến tranh.

Những năm 1980, thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq cũng là lúc tỷ phú này bắt đầu ăn nên làm ra nhờ các hoạt động bán dầu. Cả hai quốc gia này đều là những nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vì vậy cuộc chiến này ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô của thế giới.

Thời điểm đó, không có nhiều doanh nghiệp trên thế giới dám liều mình để tiến vào những thị trường này. Tuy nhiên, John Fredriksen đã làm liều, bất chấp rủi ro để đưa đội tàu vào lấy hàng, bán ra thị trường. Kết quả thu được đã giúp ông trở thành một trong những người giàu có nhất trong ngành vận tải.

Tuy nhiên, trong những năm sau đó ông đã vướng phải một số vấn đề liên quan đến mặt pháp lý. Tháng 11/1986, các công tố viên đã buộc tội Fredriksen và một số giám đốc điều hành cấp cao của ông đã chỉ đạo các thủy thủ ăn cắp dầu thô. Họ đồng thời cũng cáo buộc ông đã lừa dối các công ty bảo hiểm hàng hóa. Fredriksen sau đó đã bác bỏ các cáo buộc.

Fredriksen từng bị tạm giam khoảng 4 tháng để phục vụ cho quá trình điều tra. Trong thời gian đó, ông đã chỉ đạo bán đội tàu của mình mặc dù giá vận tải và định giá tàu đang tăng. Quyết định này đã khiến tài sản của Fredriksen bốc hơi 300 triệu USD.

Tới năm 1996, ông lên nắm quyền Frontline, một công ty vận tải chở dầu của Thụy Điển. Sau đó, người đàn ông này bắt đầu mua tại các đội tàu. Chỉ trong vòng 5 năm, giá trị của Frontline đã lên tới 4,6 tỷ USD, với hơn 80 tàu các loại.

Tới năm 2006, ông chính thức nhập quốc tịch Cyprus, một quốc đảo nhỏ ở khu vực Địa Trung Hải, nơi được cho là "thánh đường" của những người giàu với chính sách thuế khá mềm mỏng.

Cũng trong năm 2006, công ty của ông, Seadrill, đã mua hơn 50% cổ phần của Smedvig và giành quyền kiểm soát công ty. Thương vụ này là thương vụ lớn nhất của mà tỷ phú 77 tuổi từng thực hiện.

Sở dĩ ông chiếm ưu thế so với các đối thủ bởi đội tàu của ông có giá đắt gấp đôi những loại tàu khác, đồng thời cũng thân thiện với môi trường. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2011, Frontline sở hữu 10% cổ phần của một công ty tàu chở dầu lớn khác là Overseas Ship Holding Group.

Vào năm 2013, tạp chí Kapital của Na Uy đã liệt kê giá trị tài sản ròng của ông vào khoảng 12 tỷ USD. Ông từng giữ vị trí người đàn ông giàu nhất Na Uy trước khi từ bỏ quốc tịch. Tới năm 2021, tạp chí Forbes đã liệt kê tài sản ròng của ông vào khoảng 11 tỷ USD.

Ông John Fredriksen cũng là một trong 10 người có ảnh hưởng nhất ngành vận tải biển thế giới, theo dữ liệu của The Lloyds List 2014.

Ngoài công việc kinh doanh của mình, tỷ phú 77 tuổi còn là một người đam mê sưu tập các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là của quê hương Na Uy. Đồng thời, ông cũng quyên góp hàng trăm triệu USD cho các viện nghiên cứu tại quê nhà.

Quốc Anh