|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault đầu tư giỏi hơn cả Warren Buffett?

13:52 | 07/06/2023
Chia sẻ
Thành tích 20 năm trên thị trường chứng khoán của CEO tập đoàn LVMH Bernard Arnault vượt trội hơn hẳn những gì Warren Buffett và chỉ số S&P 500 đạt được.

Tỷ phú Bernard Arnault. (Ảnh: Reuters). 

Gần đây, công chúng có vẻ rất chú ý đến câu chuyện về người giàu nhất trên thế giới. Vài năm trước, Jeff Bezos là người nắm giữ vị trí này.

Hiện tại, chiếc vương miện được trao cho Elon Musk. Nhưng một người đàn ông khác – Bernard Arnault, CEO hãng xa xỉ phẩm LVMH – cũng đã vài lần bước lên vị trí số một trong vài năm qua.

Phương pháp kiếm tiền của Bernard Arnault rất giống với những gì Warren Buffett đã áp dụng tại Berkshire Hathaway. Theo tờ Motley Fool thì xét trên một số phương diện, ông Arnault thậm chí còn có thể được coi là nhà đầu tư giỏi hơn. 

Tương đồng và khác biệt

Nhiều người đã biết câu chuyện về Warren Buffett và Berkshire Hathaway. Trong quá trình tìm kiếm các cổ phiếu giá rẻ, Buffett đã rót vốn vào một nhà máy dệt may ở New England.

Khoản đầu tư này xuống dốc trong vài năm cho đến khi Buffett giành lấy quyền kiểm soát và bắt đầu sử dụng tiền mà công ty dệt may này tạo ra cho các khoản đầu tư khác – đặc biệt là trong thị trường chứng khoán.

Theo thời gian, chiến lược của Buffett đã có sự điều chỉnh, nhưng về bản chất ông vẫn là nhà đầu tư giá trị. Tiêu chuẩn hàng đầu của ông khi đánh giá cơ hội đầu tư là liệu chúng có mức giá hợp lý hay không.

Con đường của Arnault cũng rất giống Buffett, dù phong cách và chiến lược của hai người khá khác biệt. Bị hấp dẫn bởi ngành hàng xa xỉ, Arnault được cho là đã dùng tiền từ công ty của gia đình để mua lại công ty mẹ của Christian Dior lúc đó đang trên bờ vực phá sản.

Từ đó, ông được mời đầu tư vào LVMH. Khi đó, hai phe phái đại diện cho Louis Vuitton và Moët Hennessy trong tập đoàn vừa mới được sáp nhập này đang mải mê trong cuộc chiến giành quyền lực. Trong thời gian ngắn, Arnault đã giành lấy miếng bánh về tay mình. Hiện tại, ông vẫn có gần 50% cổ phần trong LVMH, và 97% tài sản ròng của ông đến từ số cổ phiếu này.

Warren Buffett xây dựng hình tượng thân thiện trong mắt mọi người, còn Bernard Arnault thì có biệt danh là “kẻ hủy diệt” và “con sói trong bộ đồ cashmere”. Nói cách khác, Arnault được đánh giá là người tham vọng và khiến người khác phải dè chừng.

Arnault có lý do để hành xử tự tin. Ông đã mua, nuôi dưỡng và hồi sinh các thương hiệu xa xỉ một cách có hệ thống và tạo dựng một tập đoàn đáng gờm.

Mỗi phân khúc của LVMH đều có một vài thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, ví dụ như Dom Perignon (rượu), Louis Vuitton và Fendi (thời trang và đồ da), Christian Dior (nước hoa và mỹ phẩm), Tiffany (đồng hồ và trang sức). Đó là danh mục các sản phẩm có độ cân bằng tốt mà người tiêu dùng trên toàn thế giới ước ao sở hữu.

 

Hai cách để đánh bại thị trường

Trong hơn hai thập kỷ qua, cả Buffett lẫn Arnault đều đã chớp thời cơ để thực hiện các thương vụ mua lại. Buffett, nổi tiếng với các khoản đầu tư đúng lúc khi thị trường tràn ngập nỗi sợ hãi, đã mua vài công ty công nghiệp lớn, bao gồm công ty đường sắt BNSF, nhà cung ứng bộ thiết bị hàng không Precision Castparts, đồng thời rót vốn vào một số công ty hóa chất và năng lượng.

Chiến lược của Arnault đối với LVMH rất khác biệt. Là người đứng đầu hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng, ông không ngừng vun đắp mối quan hệ với chủ sở hữu của các thương hiệu xa xỉ khác với hy vọng một ngày nào đó sẽ đưa họ về dưới trướng LVMH. Thông thường những thương hiệu mà Arnault nhắm đến là thuộc sở hữu của các gia tộc châu Âu với lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Ông đã thâu tóm các thương hiệu bao gồm Tiffany, hãng trang sức Bulgari và chuỗi khách sạn Belmond (tên cũ là Orient Express Hotels). Chiến lược của Arnault đã tạo ra lợi nhuận phi thường. Warren Buffett nổi danh vì đã đánh bại chỉ số S&P 500 trong khoảng thời gian dài, tuy nhiên LVMH đã chiến thắng cả hai trong 20 năm qua. 

 

Buffett có khởi đầu sớm hơn nhiều Arnault. Ông giành quyền kiểm soát Berkshire Hathaway vào năm 1965, khi giá cổ phiếu chỉ là 20 USD. Tỷ suất lợi nhuận của Berkshire từ đó đến giờ là 3.800.000%, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm là 19,8% trong 58 năm. 

Arnault trở thành chủ tịch và CEO của LVMH vào đầu năm 1989. Thành tích của ông trên thị trường chứng khoán không bằng Buffett nhưng vẫn rất ấn tượng. Vốn hóa thị trường của LVMH đã tăng từ 7 lên 445 tỷ USD. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của LVMH là 6.250%, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm là 13% trong 34 năm. 

Việc phát hành và mua lại cổ phiếu sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu nhưng các hoạt động này của mỗi công ty lại khác nhau. Do đó, cách tốt hơn để so sánh thành tích giữa Buffett và Arnault là vốn hóa. Vốn hóa thị trường của Berkshire tăng 13.400% kể từ năm 1989 – gần gấp đôi tốc độ tăng của LVMH. 

Điều mà không ai có thể chối cãi là cả Buffett lẫn Arnault đều là những nhà đầu tư phi thường với chiến lược mà họ đã hoàn thiện trong suốt hàng thập kỷ. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2017, Arnault nói rằng nhà hiền triết xứ Omaha là “người tôi ngưỡng mộ nhất trong giới kinh doanh”. Arnault nể phục cách tiếp cận dài hạn, chất lượng của các ý tưởng và niềm tin của Warren Buffett vào suy nghĩ của bản thân mình.

Xét trên tổng thể, Buffett có vẻ là nhà đầu tư trội hơn Arnault, nhưng bất kỳ sự so sánh nào cũng phải chỉ ra rằng hai người có mục tiêu khác nhau. Buffett nỗ lực làm tăng giá trị các khoản đầu tư trong danh mục của mình nhiều nhất có thể. Arnault cố gắng xây dựng bộ sưu tập các thương hiệu xa xỉ lớn nhất trên thế giới. Cả hai người đều đã thực hiện ý định thành công.

Giang