|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Quyết: Cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay, chưa có kế hoạch bán trong những năm sau

13:54 | 21/06/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá cổ phiếu ROS suy giảm kéo dài, Chủ tịch FLC Faros Trịnh Văn Quyết đưa ra 4 giải pháp với hi vọng giúp bảo vệ quyền lợi cổ đông, trong số này có cam kết cá nhân ông - cổ đông lớn nhất sở hữu 67,34% vốn - sẽ không bán cổ phần trong năm nay và cũng chưa có kế hoạch bán trong các năm sau.

"Giá giảm vì cung cầu trên thị trường"

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros giảm nhiều hơn tăng, từ khoảng 37.000 đồng/cp xuống còn 30.000 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 19%. Nếu so với mức một năm trước, mức giảm là hơn 35%.

Chính vì vậy, diễn biến giá cổ phiếu đã trở thành nội dung được nhiều cổ đông quan tâm đặt câu hỏi tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của công ty tổ chức sáng nay 21/6.

rosss

Diễn biến chỉ số VN-Index và giá cổ phiếu ROS từ khi niêm yết tháng 9/2016 đến nay. Nguồn: VNDirect.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết cho biết cá nhân ông cùng một số "cổ đông lớn" đang sở hữu trên 80% cổ phần của FLC Faros, các cổ đông nhỏ lẻ chỉ sở hữu hơn 10% vốn. Theo ông Quyết, những "cổ đông lớn" này không hề bán ra cổ phiếu ROS, cá nhân ông cũng không bán – nếu bán phải công bố thông tin cho toàn thị trường biết. Như vậy, chỉ có các cổ đông nhỏ lẻ bán và đẩy giá cổ phiếu ROS xuống thấp.

(Theo qui định, cổ đông lớn là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu từ 5% vốn trở lên, còn ông Quyết nói rõ ông biết một số cổ đông đang sở hữu 2-3% vốn của FLC Faros và tạm coi đây cũng là các "cổ đông lớn". Cá nhân ông Quyết đang sở hữu 67,34% vốn).

Theo lời Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, khi cổ phiếu ROS mới niêm yết trên sàn HOSE, nhà đầu tư lớn-nhỏ, cả các công ty chứng khoán cũng quan tâm, thậm chí "tranh nhau mua". Thị trường chứng khoán khi đó lại đang trong xu thế đi lên nên giá cổ phiếu ROS cũng tăng theo. 

"Khoảng một năm vừa qua, giá cổ phiếu ROS đa phần chỉ đi ngang chứ không đi xuống. Giá chỉ xuống khi so với cách đây 2-3 năm", ông Trịnh Văn Quyết nói, "Việc giá cổ phiếu đi xuống hoàn toàn là do cung cầu của thị trường".

Không chia cổ tức tiền mặt và không phát hành thêm 300 triệu cổ phần

Từ khi niêm yết vào tháng 9/2016 đến nay, FLC Faros đã hai lần trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 10% và 20%, chưa một lần trả cổ tức bằng tiền mặt.

Đại hội cổ đông năm 2018 lại thông qua phương án phát hành 300 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cp để có nguồn vốn thực hiện Dự án Đảo Ngọc Vừng (Quảng Ninh).

Tuy nhiên từ khi được thông qua đến nay, phương án phát hành này chưa được thực hiện. Theo giải thích của ông Trịnh Văn Quyết, việc không chia cổ tức tiền mặt và không phát hành thêm cổ phần thực chất có liên quan đến nhau.

FLC Faros-crop

Ông Trịnh Văn Quyết (ngồi giữa) trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội sáng nay 21/6. Ảnh: Đức Quyền.

Trong năm qua FLC Faros đã thu hồi một số khoản đầu tư (chẳng hạn như thoái vốn tại công ty con là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định), cùng với việc dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư thay vì trả cổ tức, công ty hi vọng có thể dùng nguồn vốn nội tại của mình để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, không cần huy động thêm vốn từ cổ đông.

"Không phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông là tín hiệu tốt, tôi kì vọng sang năm 2020 giá cổ phiếu ROS sẽ có chuyển biến tích cực", ông Trịnh Văn Quyết nói sáng nay.

Làm sao để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông khi giá cổ phiếu liên tục giảm?

Tại Đại hội, ông Trịnh Văn Quyết nêu ra 4 giải pháp để giúp bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh giá cổ phiếu ROS suy giảm kéo dài.

Thứ nhất, vị chủ tịch này tái khẳng định cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay và ông cũng chưa có ý định bán trong các năm sau.

Thứ hai, công ty phấn đấu thực hiện tốt các dự án đang và sẽ triển khai. Ông cho biết một số dự án của công ty hiện đang chậm tiến độ so với dự tính ban đầu cũng như so với các dự án trước đây, nguyên nhân là thủ tục hiện nay phức tạp hơn trước, khó vận dụng hơn dẫn tới thời gian bị kéo dài.

Thứ ba, FLC Faros sẽ cố gắng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong năm 2019 hoặc 2020 để hỗ trợ công ty cả về mặt tài chính, quản trị và chuyên môn.

Thứ tư, hi vọng thị trường chứng khoán trong thời gian tới khởi sắc, tạo hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu ROS.

Vì sao công ty không hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2018?

Năm 2018, FLC Faros đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 352 tỉ đồng. Kết quả công ty hoàn thành lần lượt 67% và 53%.

Chỉ tiêu

Kế hoạch 2018

Thực hiện 2018

Kế hoạch/Thực hiện

Tổng doanh thu 

5.500

3.685

67%

 Lợi nhuận trước thuế 

440

244

55%

 Lợi nhuận sau thuế 

352

185

53%

Theo giải trình của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thiện Phú tại đại hội, trong năm qua công ty thoái vốn một số khoản đầu tư, chẳng hạn tại FLC Faros Bình Định để tập trung nguồn vốn cho dự án khác có lợi hơn. Vì đã thoái vốn nên FLC Faros không còn ghi nhận doanh thu từ công ty con này, dẫn tới không đạt kế hoạch đề ra.

Một nguyên nhân khác là do thay đổi trong qui định của pháp luật, công ty phải thay đổi hình thức của một số dự án từ condotel thành hometel. Sự chuyển đổi này khiến công ty "chưa đạt đủ điều kiện ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán, dù công ty đã nhận được tiền. Doanh thu này sẽ được ghi nhận trong năm 2019," ông Phú nói.

Ông cho biết thêm, chính vì công ty chưa thể ghi nhận doanh thu nên nhiều công trình đã thi công xây dựng xong nhưng vẫn phải ghi nhận dưới dạng hàng tồn kho, dẫn tới số liệu hàng tồn kho lớn. "Khi đủ điều kiện ghi nhận doanh thu thì số tồn kho này sẽ được kết chuyển vào giá vốn và làm giảm giá trị hàng tồn kho trong năm 2019", ông Phú khẳng định.

Trong một diễn biến mới đây, ông Nguyễn Thiện Phú đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn FLC từ ngày 17/6. Tập đoàn FLC và công ty FLC Faros là hai doanh nghiệp cùng do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn nhất. Nhiều công trình do FLC Faros thi công xây dựng đều do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

Đức Quyền