|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC Faros thoái hết vốn khỏi công ty con tại Bình Định: Vì đâu nên nỗi?

11:34 | 09/10/2018
Chia sẻ
Hội đồng quản trị FLC Faros mới đây thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại công ty con FLC Faros Bình Định. Công ty này mới được thành lập hơn một năm trước, đang làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn. Năm ngoái công ty cũng có lợi nhuận. Vậy tại sao FLC Faros lại thoái vốn khỏi công ty con này?
flc faros thoai het von khoi cong ty con tai binh dinh vi dau nen noi Sau chủ trương thành lập 3 công ty con tại Quảng Ngãi và Sóc Trăng, FLC Faros tính thoái toàn bộ vốn khỏi FLC Faros Bình Định

Thay đổi lãnh đạo

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định được thành lập ngày 27/3/2017, trụ sở tại Khu số 4, khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Công ty có vốn điều lệ 100 tỉ đồng trong suốt thời gian từ khi thành lập đến nay, do công ty mẹ là CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) sở hữu 100%.

FLC Faros Bình Định đăng ký 87 ngành nghề kinh doanh khác nhau trong đó ngành nghề chính là Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Bà Yến sinh năm 1978, có bằng tiến sĩ luật kinh tế từ Đại học Luật Hà Nội. Từ ngày 1/3/2017, bà Yến được bổ nhiệm làm Phó TGĐ CTCP Tập đoàn FLC. Trước đó, bà Vũ Đặng Hải Yến từng là Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn FLC; Chủ tịch HĐQT Trường Cao đẳng quốc tế Hà Nội, Trưởng ban Pháp chế Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ...

Người đại diện theo pháp luật khi mới thành lập là bà Vũ Đặng Hải Yến - chủ tịch công ty. Bà Yến đồng thời là người đại diện 100% vốn của FLC Faros tại FLC Faros Bình Định.

Bà Yến từng là Phó TGĐ CTCP Tập đoàn FLC, thành viên HĐQT FLC Faros và thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD.

Từ ngày 3/4/2018, bà Yến thôi giữ chức Phó TGĐ Tập đoàn FLC. Từ ngày 22/5, bà Yến thôi làm thành viên HĐQT tại FLC Faros và FLC AMD.

Chỉ hai ngày sau (24/5), FLC Faros Bình Định được cấp thay đổi đăng ký kinh doanh theo đó người đại diện pháp luật là bà Vũ Thị Minh Huệ, sinh năm 1985. Bà Huệ đồng thời thay bà Yến làm đại diện 100% vốn góp của FLC Faros tại FLC Faros Bình Định. Bà Vũ Thị Minh Huệ được đại hội cổ đông thường niên 2018 của FLC AMD bầu làm thành viên HĐQT từ tháng 6 năm nay.

Chủ đầu tư Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn thuộc khu kinh tế Nhơn Hội

Chỉ một tháng sau khi thành lập, FLC Faros Bình Định được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn tại Phân khu số 6, Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn.

Dự án có tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng trên khu đất có quy mô khoảng 325.940 m2, bao gồm các hạng mục: Công trình nhà ở thấp tầng kết hợp với dịch vụ trên phần diện tích 89.789 m2, bao gồm 825 lô đất; Công trình nhà ở biệt thự đơn lập trên phần diện tích 20.270 m2, bao gồm 88 lô; Công trình trường mầm non trên phần diện tích 5.496 m2 với quy mô 250 học sinh và các công trình phụ trợ khác trên phần diện tích còn lại như: văn phòng, bãi đỗ xe, đất cây xanh. Theo tiến độ đăng ký, dự án chia làm 2 giai đoạn và thực hiện đầu tư xây dựng trong thời gian khoảng 2 năm, từ tháng 7/2017 đến tháng 4/2019.

Sau khi thoái hết vốn khỏi FLC Faros Bình Định, FLC Faros sẽ không còn tham gia vào dự án thuộc khu kinh tế Nhơn Hội nữa.

flc faros thoai het von khoi cong ty con tai binh dinh vi dau nen noi
Phối cảnh tổng thể FLC Lux City Quy Nhơn. Nguồn: flcquynhonluxcity.com

FLC mất dự án BT, để tuột Khu kinh tế Nhơn Hội

CTCP Tập đoàn FLC và CTCP Xây dựng FLC Faros đều do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn. Cụ thể, ông Quyết nắm giữ 21,19% vốn điều lệ của FLC và 67,34% vốn điều lệ của FLC Faros.

Rất nhiều dự án mà FLC Faros làm tổng thầu xây dựng đều có chủ đầu tư là Tập đoàn FLC, chẳng hạn như Quần thể FLC Quảng Bình, Tổ hợp FLC Sầm Sơn, Dự án FLC Ngọc Vừng, Dự án FLC Lux City Sầm Sơn , Dự án FLC Coastal Hill Quy Nhơn và Dự án FLC Sea Towers Quy Nhơn, FLC Garden City Nam Từ Liêm, Tổ hợp FLC Halong Bay, FLC Complex 36 Phạm Hùng, …

Trước khi FLC Faros quyết định thoái vốn khỏi công ty con đang làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội, Tập đoàn FLC đã để tuột dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500 và do vậy không được khai thác quỹ đất đối ứng tại Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội.

Cụ thể, ngày 17/1 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500 theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Theo quyết định này, nhà đầu tư thực hiện dự án là Tập đoàn FLC, tổng vốn đầu tư dự án bao gồm toàn bộ khối lượng xây lắp, quản lý dự án, tư vấn xây dựng và các công việc khác dự kiến khoảng hơn 813 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).

Trong đó, vốn đầu tư dự án bằng hình thức giao nhà đầu tư Tập đoàn FLC khai thác quỹ đất đối ứng tại Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là quyết định lựa chọn nhà đầu tư, còn hợp đồng chính thức vẫn chưa được ký kết. Ngày 19/6 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 2078/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đường trục Khu kinh tế nối dài.

Theo đó, tên của dự án không còn phần “theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT)”. Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh lùi 1 năm, từ “2017-2019” thành “2018 – 2020”.

Hình thức đầu tư được sửa đổi tương ứng, từ “Đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng: Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)” sang “Theo Luật Đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước”.

Như vậy, Tập đoàn FLC không còn tham gia dự án BT Đường trục Khu kinh tế nối dài, đoạn Km4+00 – Km18+500 nữa và do vậy không được nhận phần đất tại Khu Kinh tế Nhơn Hội theo điều khoản của hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Xem thêm

Kiên Dương

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.