|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Nguyễn Tử Quảng nói góc bo BPhone làm khó hơn so với góc siêu elip của 'logo trị giá 7 tỷ đồng'

17:10 | 08/04/2021
Chia sẻ
Ông Quảng không nhắc tên Xiaomi nhưng nói rằng góc bo Bphone làm khó hơn so với góc siêu elip của logo 7 tỷ đồng được nhắc tới trong thời gian gần đây.
CEO Bkav tuyên bố đã sở hữu công nghệ lõi cho logo góc bo tròn, chẳng cần bỏ 7 tỷ đồng nhờ người thiết kế - Ảnh 1.

CEO Bkav tuyên bố đã sở hữu công nghệ lõi cho logo góc bo tròn, chẳng cần bỏ 7 tỷ đồng nhờ người thiết kế. (Ảnh: Bkav).

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, mới đây đã đăng tải một bài viết có liên quan tới sự việc Xiaomi bỏ ra hơn 7 tỷ đồng để thiết kế lại logo và bộ nhận diện thương hiệu của mình. Theo đó, ông Quảng tuyên bố đã sở hữu "công nghệ lõi" cho thiết kế góc bo "thần thánh" mà chỉ có số ít công ty có được.

Ở hai hình bên dưới là icon phóng to của Bphone và của một hãng khác. Ông Quảng chỉ ra nếu để ý góc bo cong và đặc biệt là điểm ghép nối giữa nó với cạnh thẳng sẽ nhận ra điều khác biệt.

Một bên là góc bo bị răng cưa, điểm ghép nối có thể phân biệt rõ, một bên góc bo liền mạch và gần như không nhận ra được điểm ghép nối khi đường cong được chuyển sang thẳng một cách mềm mại.

Hình ảnh ông Nguyễn Tử Quảng dùng để so sánh logo Bphone và logo một hãng khác. (Ảnh: Nguyễn Tử Quảng).

"Tôi cũng phải nói luôn, là góc bo kiểu này còn khó hơn nhiều với hình superellipse (siêu elip) được nhắc đến mấy ngày qua, cùng câu chuyện góc bo trị giá 7 tỷ đồng", ông Quảng kể lại.

Khi đội ngũ thiết kế đã "đầu hàng" và nói rằng "đã cố hết sức", ông Quảng đã trực tiếp giải quyết vấn đề này. Bằng cách phóng to icon, ông đã tìm ra "thủ phạm" chính là các vết răng cưa, các ghép nối không mềm mại đã tạo ra hiệu ứng khó chịu dù rất khó định nghĩa.

"Tôi yêu cầu đội Thiết kế khảo sát tất cả các hãng Smartphone trên thị trường, quả nhiên tất cả đều gặp vấn đề này, chỉ trừ một hãng, hãng A", ông Quảng viết. Trong các bài viết trước đây, ông vẫn thường dùng từ "hãng A, hãng S, hãng G" để chỉ các công ty smartphone lớn.

Ông Quảng cho rằng để có được những công nghệ tốt thì hoặc công ty R&D sản phẩm để sở hữu từ lõi, tuy tốn kém nhưng nó là của công ty, có thể tái sử dụng nhiều lần. Hoặc công ty có thể bỏ tiền ra mua sản phẩm, tốn kém nhưng lại không phải là của công ty. Tuy vậy, nếu không thể R&D thì công ty cũng phải mua để có.

Tường Vy