CEO Tử Quảng khoe BPhone xuất khẩu: cộng đồng mạng chỉ ra điểm bất thường trong chứng từ, hóa đơn
Hôm 22/3, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, đã thông báo trên trang Facebook cá nhân về việc công ty đã xuất khẩu lô Bphone đầu tiên sang Châu Âu, đồng thời bật mí đây là một cường quốc về quân sự.
Ông Quảng đã đăng tải kèm hình ảnh của hợp đồng thương mại hai lô hàng gồm điện thoại B60 sử dụng chip Snapdragon 660 của Qualcomm màu đen và phụ kiện ốp lưng dành cho dòng này.
Tuy vậy, chính vì mẫu hợp đồng này của Bkav mà có không ít người dùng Facebook, được cho là làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bày tỏ nghi hoặc về tính xác thực của chứng từ.
Theo đó, một người viết bình luận rằng chưa bao giờ thấy chứng từ xuất nhập khẩu nào có tên là "Commercial Contract" mà chỉ có "Commercial Invoice" và "Sale Contract". Bên cạnh đó, chứng từ xuất nhập khẩu phải ghi tên Seller (người bán) và Buyer (người mua) bằng tiếng Anh.
Một tài khoản khác tên H.D cũng bình luận bày tỏ sự đồng tình rằng một là sử dụng tên "Commercial Invoice" hoặc "Packing List", hai là sử dụng "Sale Contract", không kiểu "tây ta lẫn lộn".
Trái lại, một tài khoản khác thì lại cho rằng có thể sử dụng cụm từ "Commercial Invoice" thay cho "Sale Contract" tùy vào pháp lý của nước sở tại. Tuy vậy, người này cũng cho rằng mẫu hợp đồng này của Bkav chẳng giống ai.
Về việc viết tên công ty bằng tiếng Việt không dấu trong hợp đồng, tài khoản T.A.T cho rằng trên thực tế có công ty sử dụng hợp đồng kiểu vậy nhưng không nhiều. "Họ chỉ quan tâm khi nào chuyển tiền thì giao hàng thôi", tài khoản này cho biết.
Bên cạnh đó, trong hợp đồng này Bkav sử dụng cả tên công ty viết bằng tiếng Việt không dấu, in đậm và tên bằng tiếng Anh, không in đậm "BKAV CORPORATION" ở dưới, theo quy định.
Một tài khoản khác thì cho rằng cả ba thuật ngữ "Sale Contract", "Commercial Contract" và PI (viết tắt của cụm từ "Proforma Invoice") đều là một.
Một số bình luận của người dùng Facebook xung quanh các thuật ngữ về xuất nhập khẩu. (Ảnh: Chụp màn hình).
Trở lại câu chuyện smartphone của Bkav được xuất khẩu sang châu Âu, ông Quảng cho biết các mẫu điện thoại này sẽ được sử dụng cho các yếu nhân, VIP. "Chúng tôi đã cùng với đối tác phát triển hệ điều hành bảo mật riêng, dựa trên BOS cho dòng máy này", ông Quảng viết.
Vào tháng 6 năm ngoái, Bkav đã ra mắt dòng B40 và B60 ra công chúng nhưng vẫn chưa xuất hiện trên thị trường. Theo ông Quảng, việc cập nhật GPP cho hai phiên bản này chậm hơn so với dự kiến, dẫn tới thời điểm mở bán không còn phù hợp với thị trường.
Trước đó vào ngày 20/3, hai dòng máy Bphone là B40 và B60 đã "biến mất" khỏi website của Bkav sau gần một năm ở trạng thái "sắp mở bán". Hiện tại, website của Bkav chỉ hiển thị hai mẫu smartphone ra mắt cùng thời điểm là B86 và B86s cùng một số phụ kiện như kính cường lực, ốp lưng và cáp sạc.