Ông lớn đua nhau metaverse hóa: Bước vào thế giới ảo Facebook bằng giày ảo Nike và dùng Microsoft Teams đi khắp 'vũ trụ'
Giới công nghệ trong thời gian qua đã chứng kiến sự kiện quan trọng khi Facebook chính thức đổi tên công ty thành Meta, qua đó hướng đến mục tiêu xây dựng một vũ trụ thực tế ảo (Metaverse) thay vì nhắm trọng tâm là một công ty truyền thông xã hội.
Trong sự kiện được tổ chức theo hình thức online, Facebook đã trình chiếu một loạt video khái niệm nêu bật tầm nhìn về metaverse, chẳng hạn như gửi hình ảnh ba chiều đến một buổi hòa nhạc với một người bạn đang tham dự tại đó, ngồi quanh bàn họp ảo với đồng nghiệp từ xa hoặc chơi trò chơi nhập vai với bạn bè. Gần đây, công ty cho biết họ sẽ thuê 10.000 người ở châu Âu để phát triển tính năng này.
Thời ảo hoá
Tỷ phú Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, hay bây giờ là Meta cho biết: "Các thiết bị công nghệ sẽ không còn là tâm điểm chú ý nữa. Chúng tôi bắt đầu thấy rất nhiều công nghệ mới sẽ kết hợp với nhau trong 5 hoặc 10 năm tới. Rất nhiều công nghệ này sẽ trở thành xu hướng chủ đạo và rất nhiều người trong chúng tôi sẽ tạo ra cũng như sinh sống trong những thế giới đó".
Phát ngôn này của tỷ phú Mark Zuckerberg như một lời khẳng định về tầm quan trọng của metaverse trong tương lai. Theo định nghĩa trên Investopedia, metaverse là một dạng công nghệ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và tiền điện tử để cho phép người dùng tương tác trực tuyến.
Thực tế tăng cường phủ các yếu tố hình ảnh, âm thanh và cũng như cảm giác trong thế giới thực để nâng cao trải nghiệm người dùng. Ngược lại, thực tế ảo hiểu đơn giản là những thứ hoàn toàn ảo.
Khi metaverse phát triển, nó sẽ tạo ra các không gian trực tuyến, nơi người dùng có thể tương đa chiều hơn nhờ các công cụ hỗ trợ công nghệ hiện tại. Thay vì chỉ xem nội dung kỹ thuật số, người dùng trong metaverse sẽ có thể "đắm mình" trong không gian nơi thế giới kỹ thuật số và vật lý hội tụ.
Microsoft muốn có một vũ trụ ảo riêng
Sau sự kiện của Facebook, có vẻ như xu hướng metaverse đang được nhiều ông lớn quan tâm hơn. Theo Bloomberg, gã khổng lồ Microsoft cũng đang quan tâm đến xu hướng metaverse và đang bắt đầu thực hiện ý tưởng riêng của mình. Dự kiến, cả hai phần mềm phổ biến hàng đầu thế giới hiện nay là PowerPoint và Excel cũng góp mặt trong dự án.
Sản phẩm đầu tiên, một phiên bản mới của nền tảng họp trực tuyến Microsoft Teams nhiều khả năng có thêm tính năng ảnh đại diện kỹ thuật số, hiện đang được thử nghiệm và sẽ có sẵn vào nửa đầu năm 2022. Khách hàng sẽ có thể chia sẻ các tệp và tính năng Office, như các file PowerPoint trong thế giới ảo.
"Đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen sử dụng các nền tảng của người dùng, mặc dù đôi khi các nền tảng có cảm giác giống như khoa học viễn tưởng", Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết. Ông tiết lộ đã sử dụng công nghệ metaverse này để đến thăm khu cách ly COVID-19 ở bệnh viện Vương quốc Anh, nhà máy sản xuất Toyota và thậm chí cả trạm vũ trụ quốc tế.
Các tính năng mới của Teams, được công bố tại Hội nghị Ignite sẽ cho phép các doanh nghiệp tạo ra không gian sống động, nơi nhân viên có thể gặp gỡ nhau. Công nghệ này sử dụng phần mềm của Microsoft được công bố vào đầu năm nay có tên là Mesh cho phép trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường trên nhiều loại kính, bao gồm cả HoloLens của Microsoft. Những khách không sử dụng kính 3D có thể trải nghiệm nội dung và ảnh đại diện ở dạng 2D.
Ngoài ra, Microsoft cũng đã công bố một sản phẩm có tên Dynamics 365 Connected Spaces. Nó sẽ cho phép mọi người di chuyển và tương tác trong các không gian bán lẻ và nhà máy. Ông Satya Nadella kỳ vọng các loại game trên thiết bị chơi game Xbox sẽ tham gia vào xu hướng metaverse trong tương lai.
Nike cũng có giày ảo
Không chỉ các công ty công nghệ, mà ngay cả gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất thời trang thể thao là Nike cũng quan tâm đến xu hướng metaverse. Theo CNBC, gã khổng lồ này đã có những bước đi đầu tiên vào vũ trụ metaverse.
Theo trang tìm kiếm việc làm của Nike, gần đây công ty đã đăng tin tuyển dụng các nhà thiết kế vật liệu ảo cho giày dép và các phụ kiện khác. Yêu cầu việc làm cụ thể: "Sáng tạo sản phẩm kỹ thuật số, tập trung vào việc khơi dậy cuộc cách mạng kỹ thuât số ảo tại Nike".
Josh Gerben, một luật sư chuyên về bảo vệ quyền thương hiệu nhận định động thái này của Nike là cái gật đầu cho sự chuyển mình, nhắm đến xu hướng metaverse. Theo ông, việc Nike nộp đơn đăng ký bản quyền cho một số nhãn hiệu mới là bước đi trước, tránh trường hợp các đơn vị khác sử dụng trái phép nhãn hiệu trên thế giới ảo.
"Nếu bạn muốn kiểm tra nhãn hiệu của mình trong thế giới ảo, sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chỉ đăng ký quyền sở hữu trong thế giới đó", ông nói. Đồng thời, luật sư Josh Gerben cho biết các hồ sơ nhãn hiệu cũng sẽ làm tăng giá trị cho danh mục nhãn hiệu tổng thể vì nhãn hiệu là một dạng tài sản.
"Chắc hẳn bạn hiểu giá trị thương hiệu mà biểu tượng của Nike đem lại. Vì vậy, càng có nhiều chính sách bảo vệ thương hiệu, giá trị công ty càng tăng", Josh cho biết.
Thực tế, đây không phải là bước đột phá của một thương hiệu thời trang thể thao vào thế giới ảo. Tháng 5/2019, thương hiệu Jordan đã hợp tác với tựa game Fornite, hay chính Nike cũng đã hợp tác với nền tảng trò chơi trực tuyến Roblox.
Hiện tại, công ty vẫn đang chờ đợi bằng sáng chế được nộp từ tháng 4/2019 cho "Cryptokicks", thứ mà Nike dự định sử dụng như một mã thông báo không thể sử dụng được (NFT).