|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Kim Jong Un tìm cảm hứng từ câu chuyện thành công của Trung Quốc và Việt Nam

11:21 | 18/05/2018
Chia sẻ
Với kỳ vọng cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều ngày 12/6 sẽ giúp nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang tìm thấy nguồn cảm hứng từ kinh nghiệm đổi mới kinh tế thành công của Trung Quốc và Việt Nam.
ong kim jong un tim cam hung tu cau chuyen thanh cong trung quoc va viet nam Bloomberg: Ông Kim Jong un có thể biến Triều Tiên trở thành trung tâm sản xuất mới của Samsung
ong kim jong un tim cam hung tu cau chuyen thanh cong trung quoc va viet nam Vì sao Singapore được chọn tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên?

Phái đoàn Triều Tiên, trong đó có Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Pak Thae Song, đã đến Bắc Kinh trong tuần qua. Phái đoàn đến thăm khu công nghệ cao Zhongguancun – được ví như Thung lũng Silicon của Trung Quốc, và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 16/5. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn nhân vật thân cận của ông học hỏi kinh nghiệm cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc.

ong kim jong un tim cam hung tu cau chuyen thanh cong trung quoc va viet nam
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: KCNA/Korea News Service.

Dù được biết đến với nhiều phát ngôn cứng rắn, ông Kim vẫn rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế nước nhà. Trong đại hội đảng tháng trước, ông đã quyết định rút lại chính sách phát triển song song - chương trình hạt nhân và tăng trưởng kinh tế - và chuyển sang tập trung vào phát triển kinh tế.

Ông Kim hy vọng sẽ viết tiếp công chuyện thành công của Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc bắt đầu công cuộc đổi mới vào năm 1978 dưới thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã đưa một lượng lớn ngoại tệ vào Trung Quốc để tăng năng suất và vực dậy nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ do các chính sách sai lầm trong Cách mạng Văn hóa.

Nhiều người đương thời cáo buộc ông Đặng là người đưa chủ nghĩa tư bản vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng, miễn là Đảng Cộng sản còn nắm quyền, đất nước Trung Quốc sẽ không xa rời các lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc gặp với ông Kim Jong Un, Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ một sự chuyển biến tương tự tại Triều Tiên và hy vọng tăng cường tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4, ông Kim Jong Un cho biết đang hướng đến cải cách theo mô hình của Việt Nam, tờ Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc đưa tin. Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Đổi Mới từ năm 1986, mở đường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 và giúp nền kinh tế tăng trưởng liên tục.

ong kim jong un tim cam hung tu cau chuyen thanh cong trung quoc va viet nam
Trung tâm TP Hồ Chí Minh. Nguồn: Getty Images.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng theo học tại một trường nội trú ở Thụy Sỹ và nhiều năm sống trong bầu không khí của một nền kinh tế tự do. “Ông Kim không có lo ngại cá nhân nào về chủ nghĩa tư bản”, một nguồn ngoại giao Hàn Quốc cho biết.

“Họ muốn trở thành một đất nước bình thường, một nhà nước bình thường được Mỹ thừa nhận. Họ muốn vốn đầu tư của Mỹ đi vào Triều Tiên. Họ chào đón các nhà tài trợ Mỹ và các tập đoàn đa quốc gia đến Triều Tiên”, ông Moon Chung-in - cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc nói với CNN sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều cuối tháng trước. Bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Bình Những, ông Moon nói thêm.

“Ông Kim có thể đã nhận ra rằng, cải cách kinh tế và mở cửa có thể giúp bảo vệ đế chế của ông hiệu quả hơn vũ khí hạt nhân”, một chuyên gia về Triều Tiên nhận định.

Theo cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-seok, kinh tế Triều Tiên có thể ghi nhận tăng trưởng hàng năm lên đến 15% liên tục trong ít nhất 10 hoặc 20 năm nếu tiến hành mở cửa.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã né tránh các thay đổi lớn có thể khiến chính phủ mất ổn định, dù vẫn đang duy trì các dự án hợp tác đặc biệt như khu công nghiệp chung Kaesong với Hàn Quốc và đặc khu kinh tế Rason giáp với Trung Quốc. Ông Kim Jong Un cần có các quyết định đột phá hơn nếu muốn đi theo con đường thành công của Trung Quốc và Việt Nam.

Trường Giang