|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ 8X và câu chuyện khởi nghiệp với chiến lược mưa dầm

10:42 | 31/08/2016
Chia sẻ
Cho dù đường sự nghiệp kinh doanh chỉ còn lại một người, song Lê Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Gian hàng trực tiếp Việt Nam vẫn quyết chọn cách đi chậm để giữ được giá trị cho khách hàng.

Sẽ đi hết con đường, dù chỉ còn một mình

Cho đến bây giờ, sau 3 năm bước chân khởi nghiệp kinh doanh, dù Gian hàng trực tuyến Việt Nam đã bắt đầu kết nối được cộng đồng thương mại điện tử như người sáng lập mong muốn, song Lê Thái Nguyên vẫn cho rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình mới bắt đầu những ki - lô - mét đầu tiên.

Nhưng, nhìn lại, những cây số này lại là chặng đường gồ ghề, không dễ vững tay lái.

ong chu 8x va cau chuyen khoi nghiep voi chien luoc mua dam

Lê Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Gian hàng trực tuyến Việt Nam. (Ảnh: Đầu tư).

Tốt nghiệp đại học năm 2007, cử nhân công nghệ thông tin Lê Thái Nguyên vào làm cho một công ty phát triển phầm mềm tại TP.HCM. Đây là khoảng thời gian Nguyên thực hành được nhiều bài học lý thuyết trong trường, nhưng quan trọng hơn, Nguyên bắt đầu hình dung một cách rõ nét về nhu cầu giao thương của một khu vực doanh nghiệp rộng lớn, nhưng lại thiếu vốn, ít kinh nghiệm, đó là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Nguyên kể, khi ngồi trên ghế nhà trường, các bài giảng cũng đã nhắc tới những điểm thua kém của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thị trường hiện đại so với các doanh nghiệp quy mô lớn, cũng đã nhắc tới nhu cầu về một hệ sinh thái phù hơp với cộng đồng doanh nghiệp này. Nhưng khi va vấp thực tiễn mới thấy hết được những rào cản mà các doanh nghiệp này đang gặp phải.

“Các doanh nghiệp muốn quảng bá về sản phẩm, muốn phát triển doanh nghiệp nhưng nếu tự làm toàn bộ, họ không đủ chi phí. Tại sao không có một nền tảng để các doanh nghiệp có thể dùng chung, có thể đưa sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa tới khách hàng nhanh nhất, với chi phí thấp nhất”, Trần Lê Nguyên kể.

Nguyên và một người bạn đã tìm cách để trả lời câu hỏi này. Phần mềm viết ra giống như một sàn thương mại điện tử để từ đây, khách hàng - chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ - đăng sản phẩm và dịch vụ lên gian hàng để quảng cáo với khách hàng. Với phần mềm này, Nguyên thu tiền từ các doanh nghiệp đăng ký mua gian hàng trên trang để quảng bá sản phẩm.

Thời điểm đó, năm 2012, thương mại điện tử chưa phát triển nhiều, chủ yếu là mô hình điện tử bán hàng, chứ không có phần mềm thương mại điện tử quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp và làm trung gian giúp cho khách hàng tìm tới trực tiếp với doanh nghiệp.

“Mất 6 tháng để viết phần mềm và chạy demo, chúng tôi vấp phải chính bài toán khó của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là tiếp cận công nghệ, chi phí đầu tư ban đầu rất cao, gồm cả đầu tư con người và về cơ sở hạ tầng lưu trữ. Tuy nhiên, chúng tôi từ đỡ được phần chi phí này bằng cách “lấy công làm lãi”, vì chúng tôi tự làm được, theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo”, anh Nguyên nói.

Song điều Nguyên không ngờ là khó khăn trong việc xây dựng và hoàn thiện phần mềm mới chỉ là khe nứt nhỏ trên đường. Những ổ gà lớn bắt đầu xuất hiện khi công việc kinh doanh bắt đầu. Bất ngờ nhất là người bạn đồng hành sáng chế ra phần mềm trên quyết định rút vốn.

Để giữ được Công ty, cũng để phát triển tiếp tục phần mềm đã kỳ công tính toán những con tính nhỏ, Nguyên buộc phải mua lại toàn bộ công ty cùng phần mềm này.

“Khó khăn khi kinh doanh là tất yếu, nhưng không thể vì khó khăn mà bỏ ngang đường. Người bạn đồng hành của tôi có lý do để dừng lại, nhưng tôi quyết định phát triển sản phẩm mà chúng tôi cùng nhau viết ra dù chỉ còn một mình”, Nguyên nói.

Chiến lược mưa dầm

Thành lập Công ty TNHH Gian hàng trực tuyến Việt Nam vào năm 2013 với mong muốn kết nối cộng đồng thương mại điện tử với nhau để phát triển. Khi đó, Nguyên nhận thấy thương mại điện tử đang có sự chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động.

Tuy vậy, Nguyên vẫn định hướng phát triển phần mềm cũ để làm nơi cung cấp giải pháp cho khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp mới được thành lập. Nguyên muốn mở ra các hội chợ maketing, tạo kênh để khách hàng quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm.

Tất nhiên, chàng trai sinh năm 1985 Lê Thái Nguyên cũng hiểu, không phải điều mình muốn cũng có nghĩa là khách hàng có thể chấp nhận ngay, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có nhu cầu nhiều, muốn quảng bá sản phẩm nhưng lại không muốn dành nhiều thời gian và chi phí. Hơn thế, các doanh nghiệp này lại có xu hướng muốn nhanh bán được hàng, để nhanh quay vòng vốn.

“Yêu cầu của họ là thực tế. Chúng tôi quyết định đưa ra một trang web mà khách hàng chỉ cần mất 5 phút, từ lúc đăng tải sản phẩm đến lúc có thể giao dịch được. Quan trọng nữa là sản phẩm giá rẻ, nhưng công nghệ, mẫu giao diện luôn theo đúng xu hướng thị trường”, Lê Thái Nguyên kể.

Bên cạnh đó, sản phẩm phần mềm và trang web dành riêng cho các doanh nghiệp muốn sử dụng riêng cũng được Gian hàng trực tuyến Việt Nam phát triển, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp muốn ghi dấu ấn riêng. Việc cập nhật, thiết lập các giải pháp mới để tăng khả năng cạnh tranh, giới thiệu các hình thức quảng cáo sản phẩm mới cho khách hàng cũng được tiến hành thường xuyên. Các sản phẩm này được Công ty Gian hàng trực tuyến Việt Nam bảo hành trọn đời cho khách hàng của mình.

Lúc này, Nguyên đang viết thêm phần mềm về đại lý xe hơi. Nói đúng hơn là phần mềm điện tử chuyên về xe hơi, giới thiệu các dòng sản phẩm xe của các đại lý dựa trên bản đồ điện tử. Thay vì phải tìm đến các đại lý, người tiêu dùng quan tâm đến dòng xe nào có thể sử dụng phần mềm này để tìm kiếm các địa chỉ có xe phù hợp với nhu cầu. Công cụ này cũng cho phép người dùng đánh giá về chất lượng dịch vụ đại lý, các dòng sản phẩm xe đã mua, tạo ra những tương tác thực giữa những người dùng, người đang tìm kiếm xe, đại lý bán xe.

Nhưng, lợi nhuận nhanh lại là điều Nguyên chưa làm được. “Tôi chọn chiến lược mưa dầm thấm lâu. Các khách hàng sẽ dần thấy được những giá trị mà chúng tôi nỗ lực đem lại cho họ thông qua các sản phẩm trí tuệ của mình. Chúng tôi có thể vay vốn để làm nhanh, nhưng quan điểm là sẽ phải đảm bảo mọi việc được kiểm soát trong khả năng của mình”, Nguyên chia sẻ khi được hỏi sao không tận dụng cơ hội để bùng nổ.

Theo Gia Huy

Báo Đầu Tư

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.