Ông Biden giáng đòn trừng phạt mới xuống đầu Nga
Đợt trừng phạt thứ hai
Hôm 24/2, sau khi xe tăng, máy bay và binh lính Nga tiến đánh Ukraine, từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã phát biểu trước toàn quốc và hứa sẽ khiến "nền kinh tế Nga trả giá đắt" bằng cách ngăn doanh nghiệp nước này giao dịch bằng các đồng ngoại tệ.
"Hôm nay, tôi cho phép bổ sung các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với hệ thống tài chính Nga và đưa ra một số hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Nga. Nền kinh tế của ông Putin sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề ngay lập tức cũng như theo thời gian", ông Biden tuyên bố.
"Đây là thời khắc nguy hiểm đối với toàn châu Âu", ông Biden tiếp tục. Vị tổng thống của Đảng Dân chủ cảnh báo "vài tuần cũng như vài tháng tới sẽ là quãng thời gian khó khăn đối với người dân Ukraine".
Thông qua bài phát biểu, ông Biden cho biết chính phủ Mỹ sẽ trừng phạt Sberbank - ngân hàng cho vay lớn nhất tại Nga, và 4 tổ chức tài chính khác đang quản lý khoảng 1.000 tỷ USD tài sản.
Đồng thời, Washington còn trừng phạt đông đảo những người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin cũng như gia đình họ. Ở tuyên bố khác, Bộ Tài chính khẳng định các lệnh trừng phạt mới sẽ nhắm mục tiêu tới "gần 80% tất cả tài sản ngân hàng ở Nga".
"Quy mô của các biện pháp trừng phạt mới vượt xa bất cứ hạn chế nào mà Mỹ từng ban hành. Hai phần ba thế giới đã tham gia cùng chúng tôi, tóm lại các lệnh trừng phạt này rất sâu rộng", ông Biden nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Bidennói Mỹ cũng sẽ hạn chế thương mại công nghệ cao với Nga nhằm hạn chế doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung chất bán dẫn cần để sản xuất trí tuệ nhân tạo (AI), hàng không vũ trụ và phần cứng quốc phòng. Anh và Canada đều đã đưa ra tuyên bố kiểm soát xuất khẩu sang Nga trong ngày 24/2.
Ông Biden còn thông tin thêm rằng các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Nga cũng sẽ bị chặn huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu, theo Bloomberg.
"Do quyết định khơi mào chiến tranh của ông Putin, nền kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với áp lực dữ dội ngay tức thì và chịu hậu quả nặng nề khi bị cô lập khỏi hệ thống tài chính, thương mại và công nghệ toàn cầu", Nhà Trắng cho hay trong tuyên bố sau bài phát biểu của ông Biden.
Dù vậy, ông Biden thông báo Nga sẽ không bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT vì châu Âu phản đối động thái này. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng có thể khiến các nhà lập pháp trong Quốc hội tức giận.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới có tác động tương tự và cũng hạn chế khả năng giao dịch bằng đồng USD, euro và bảng Anh của Nga, Tổng thống Biden nhấn mạnh với công chúng.
Cùng ngày, Anh đã bố loạt lệnh trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Nga. Theo đó, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson sẽ nhắm vào một loạt ngân hàng, tỷ phú và hãng hàng không quốc gia Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.
Chưa dừng lại, chính phủ Anh còn trừng phạt thêm Belarus, một nước đồng minh của Nga và từng cho phép hàng chục nghìn binh lính Nga đồn trú trước khi khai chiến với Ukraine.
Trước đó, chính phủ Mỹ và các nước phương Tây đã áp vòng trừng phạt đầu tiên nhắm vào một số ngân hàng, nợ chính phủ và giới tinh hoa Nga sau khi ông Putin công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine.
Chia sẻ trước công chúng, ông Biden khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây là công cụ lâu dài để gây sức ép với ông Putin và chưa bao giờ được dùng để ngăn chặn một cuộc tấn công. Trừng phạt cần thêm "thời gian" để phát huy tác dụng, Tổng thống Mỹ lưu ý.
Kinh tế Nga mấp mé bờ vực?
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng khi phương Tây trả đũa động thái quân sự của Moscow bằng loạt biện pháp trừng phạt mới.
Trong phiên giao dịch sáng 24/2 (theo giờ Moscow), đồng rúp của Nga có thời điểm mất 10% xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD và euro. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài phút sau khi Tổng thống Putin tuyên bố thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Điện Kremlin khẳng định nền kinh tế Nga có thể đứng vững trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phương Tây, một phần nhờ vào khoản dự trữ ngân sách khổng lồ là hơn 630 tỷ USD.
Hơn nữa, Moscow cho biết chính phủ cũng ghi nhận thặng dư ngân sách hàng năm, có nghĩa là Nga không cần phải vay nợ tiền mặt trên thị trường nội địa lẫn quốc tế. Đồng thời, nợ chính phủ của Nga vẫn dưới mức 20% so với GDP.
Trước khi bị Washington trừng phạt, Sberbank đã ra một tuyên bố lạc quan, khẳng định họ đã "sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến mới nào" và đang soạn thảo các kịch bản để bảo vệ các nguồn tài nguyên, tài sản và quyền lợi của khách hàng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích không tin rằng Nga có thể chịu được một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn, nền kinh tế Nga có thể chịu tổn thất nặng nề.
Chuyên gia Henry Rome của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group nhận định: "Do hành động của Nga quá nghiêm trọng, chúng tôi tin các nhà lập pháp phương Tây sẽ trả đũa nặng tay, vượt xa các kịch bản xấu nhất. Nga thậm chí có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Đường ống Nord Stream 2 cũng sẽ bị hoãn vô thời hạn".
Chia sẻ với Moscow Times, Phó Chủ tịch Clay Lowery của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) và là cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho hay: "Điểm mấu chốt là những lệnh trừng phạt này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế chung của Nga và người dân Nga bình thường sẽ phải trả giá đắt".
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Chuyển đổi (BOFIT) của Ngân hàng Phần Lan, dù Nga đã cố gắng phi đô la hóa trong nhiều năm qua, hơn một nửa hàng xuất khẩu của nước này vẫn được định giá bằng đồng USD và 30% khác được định giá bằng đồng euro.
Hầu hết đối tác mua dầu thô và khí đốt của Nga đều từ chối sử dụng đồng rúp trong giao dịch. Do đó, nền kinh tế Nga vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các đồng tiền tệ của phương Tây.
Tại quê nhà, đồng rúp giảm sâu sẽ càng gây áp lực lớn lên nền kinh tế. Lạm phát của Nga đang ở mức đỉnh 6 năm (khoảng 8,7%) và tài chính hộ gia đình đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn một thập kỷ trước. Một cuộc khảo sát gần đây của một hãng thăm dò nhà nước phát hiện 2/3 gia đình tại Nga không có tiền tiết kiệm.
Sự tụt giá của đồng rúp đang làm nổi bật cuộc khủng hoảng mức sống của người dân Nga. Moscow Times dẫn một nghiên cứu khác cho hay, hàng hóa nhập khẩu đang chiếm khoảng 75% các sản phẩm và nguyên liệu được dùng để chế tạo nhu yếu phẩm và thực phẩm tại Nga.
Thực tế nêu trên sẽ đẩy ngân hàng trung ương Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan quen thuộc: làm sao để hạ nhiệt lạm phát nhưng không tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất chuẩn tại Nga đang ở mức 9,5% và dự kiến sẽ tăng lên 11% hoặc cao hơn trong những tuần tới. Chi phí đi vay cao hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong khi rất nhiều người đang ngập trong nợ nần sau một thập kỷ kinh tế đình trệ.
Ngoài ra, việc phương Tây cắt nguồn cung ứng chất bán dẫn cũng khiến các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Nga gặp khó khăn, vì đa phần vẫn phụ thuộc nặng nề vào phần cứng và phần mềm của phương Tây.