OECD: Kinh tế thế giới sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề do xung đột tại Ukraine
OECD có trụ sở tại Paris, đại diện cho 38 quốc gia, trong đó hầu hết là các nước phát triển. Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu do tác động của xung đột khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh.
Theo đó, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, OECD còn nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988.
Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng kiêm Phó Tổng thư ký OECD, nhận định thế giới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang manh nha.
Mức độ giảm tăng trưởng và tăng lạm phát đến đâu sẽ phụ thuộc vào diễn biến xung đột nhưng điều chắc chắn là những nước nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bà cho rằng hậu quả của xung đột sẽ nặng nề và các nước cần cùng chung tay chia sẻ.
Trước khi xung đột nổ ra, triển vọng kinh tế nhìn chung khả quan trong năm 2022 và 2023, trong đó tăng trưởng GDP và lạm phát đều được dự báo trở về mức bình thường sau thời gian chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, xung đột kết hợp với các biện pháp phong tỏa phòng dịch tại những thành phố và cảng quan trọng ở Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, đã dẫn tới những cú sốc làm đảo ngược tình hình.
Báo cáo mới đáng lẽ đã được OECD công bố từ tháng Ba nhưng tổ chức này đã hoãn công bố đánh giá chi tiết vì những yếu tố bất ổn tiềm ẩn liên quan tình hình xung đột. Khi đó, OECD đã ước tính dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu có thể sẽ giảm hơn 1 điểm % so với báo cáo gần nhất.
Trong báo cáo mới nhất, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 3,7% xuống 2,5% trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng giảm từ 5,1% xuống 4,4%. Ngoài ra, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% thay vì 4,3% trong báo cáo đưa ra hồi tháng 12.
OECD lưu ý giá cả tiêu dùng liên tục tăng trong thời gian qua, ảnh hưởng tới thu nhập và chi tiêu thực tế, đặc biệt là với những hộ gia đình dễ chịu tổn thương nhất. Ở nhiều nền kinh tế mới nổi, nguy cơ thiếu lương thực ở mức cao do phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Nga và Ukraine.
Báo cáo cảnh báo những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ còn nặng nề hơn dự tính, trong một số kịch bản như Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Bên cạnh đó, khi các ngân hàng trung ương thắt chặt các chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát, khiến lãi suất tăng mạnh và cũng gây ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng nhiều hơn ước tính.
OECD cũng lo ngại đại dịch COVID-19 có thể chưa qua đi mà còn diễn biến xấu hơn. Nếu những biến thể nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn xuất hiện, tiếp tục ảnh hưởng đến một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu trên toàn thế giới và gián đoạn nguồn cung.
Trước những thách thức trên, OECD kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên bảo vệ những nhóm dễ chịu tổn thương nhất. Trong ngắn hạn, các biện pháp tài khóa tạm thời, kịp thời và có trọng tâm sẽ giúp các hộ gia đình nghèo nhất. Trong trung và dài hạn, các chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch và chi tiêu quốc phòng.
Trước OECD, ngày 7/6, Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã điều chỉnh các chỉ số, theo đó hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ mức 4,1% xuống 2,9%. Tương tự, hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 1 điểm % xuống mức 3,6%.