|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đoàn tàu kinh tế thế giới chậm lại nhưng bánh xe vẫn chưa ngừng lăn

20:45 | 18/05/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế của Nga và Trung Quốc có thể đang suy yếu, nhưng tăng trưởng GDP của các nước khác trên thế giới vẫn đang duy trì ổn định.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Nếu xác định suy thoái bằng mức suy giảm GDP bình quân đầu người so với năm trước thì kể từ năm 1900, trung bình cứ 10 năm thế giới lại gặp suy thoái một lần. Trong 2020, thế giới trải qua cuộc suy thoái sâu nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chỉ hai năm sau, chúng ta lại phải đặt câu hỏi: Phải chăng một cuộc suy thoái khác đang đến?

Nỗi lo đang ngày càng gia tăng. Chiến sự Nga-Ukraine khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt, ăn mòn thu nhập khả dụng của các hộ gia đình. Làn sóng phong tỏa ở Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Và các ngân hàng trung ương đang gấp rút tăng lãi suất để khống chế lạm phát.

Nỗi lo sợ về tình trạng kinh tế thế giới khiến thị trường tài chính giật thót tim. Tháng vừa rồi, thị trường chứng khoán tại các nước phát triển sụt giảm gần 10%. Các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa chịu cú đánh nặng nề. Các nhà kinh tế lần lượt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, nỗi sợ suy thoái có lẽ bị phóng đại hơi quá. Các dữ liệu dưới đây cho thấy mọi người nên lạc quan hơn.

 

Tại nhiều nước, mọi người có vẻ nghĩ rằng suy thoái đã ập đến. Tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – câu lạc bộ chủ yếu gồm các nước giàu có – niềm tin người tiêu dùng nay đã xuống thấp hơn cả khi COVID-19 lần đầu tấn công. 

Trong tháng này, thước đo tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Những người trả lời khảo sát trở nên bi quan hơn về tình hình tài chính cá nhân, và không còn nhiều người nghĩ rằng giờ là thời điểm thích hợp để mua hàng tiêu dùng lâu bền vì lạm phát đã quá cao. Nếu người tiêu dùng hạn chế chi tiêu thì nền kinh tế sẽ chậm lại.

Nhưng cho đến nay, có vẻ như mọi người đang nói thế này nhưng lại làm thế khác. Lượng đặt chỗ nhà hàng toàn cầu trên trang web OpenTable vẫn cao hơn mức thông thường trước đại dịch. Tại Mỹ, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn vẫn có dấu hiệu được cải thiện.

Theo thước đo tần suất cao về thói quen chi tiêu của người Anh, được xây dựng bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia và ngân hàng trung ương Anh, rất ít dấu hiệu cho thấy người dân đang tạm hoãn các hoạt động xã hội hay các khoản mua sắm.

Khả năng cao là người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu trong một khoảng thời gian nữa, dẫu cho lạm phát làm hao mòn sức mua. Theo ước tính của tờ Economist, các hộ gia đình trong nhóm OECD vẫn còn khoảng 4.000 tỷ USD tiền tiết kiệm tích lũy trong đại dịch, tương đương 8% GDP.

Số tiền trên không phải nằm tất trong tay người giàu, trái ngược với suy nghĩ phổ biến. Tại Mỹ, tài khoản ngân hàng của các hộ gia đình thu nhập thấp cuối năm ngoái vẫn đầy hơn 65% so với năm 2019.

Doanh nghiệp có vẻ còn kiên cường hơn. Nhiều sếp lớn ca cẩm về chi phí cao ngất trời trong các buổi họp báo về kết quả kinh doanh gần đây. Nhưng thước đo niềm tin kinh doanh của OECD vẫn rất vững vàng. Dữ liệu từ trang web tìm việc Indeed cho thấy vị trí trống tại các nước giàu có thể đã ngừng tăng – nhưng vẫn còn rất nhiều. 

Nhu cầu đầu tư cũng không hề nhỏ. Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase ước lượng chi phí tài sản cố định toàn cầu quý I tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, gấp đôi tốc độ cuối năm 2021.

 *Thước đo tần suất cao về tăng trưởng kinh tế.
**Bao gồm 49 nước

Một số quốc gia dường như đang thực sự suy yếu. Ngân hàng Goldman Sachs tạo ra “chỉ báo hoạt động hiện tại”, thước đo tần suất cao về tăng trưởng kinh tế dựa trên khảo sát lẫn dữ liệu chính thức. Chỉ báo cho thấy nền kinh tế Nga đã sụt giảm rõ rệt kể từ khi bị phương Tây giáng đòn trừng phạt.

GDP Trung Quốc cũng có thể đang giảm sút vì chiến lược Zero COVID nghiêm ngặt. Dữ liệu công bố gần đây cho thấy sản lượng công nghiệp Trung Quốc sụt 2,9% trong tháng 4 và doanh số bán lẻ lao dốc hơn 11%.

 *Bao gồm 45 nước

Nhưng hầu hết các nước khác lại vững vàng hơn. Sử dụng chuỗi dữ liệu hàng tuần của 45 nước, tờ Economist ước tính rằng tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn ổn định trong những tuần gần đây. Nhìn chung, thước đo hoạt động kinh tế của Goldman Sachs thấp hơn hồi đầu năm 2021, nhưng vẫn ở mức đáng nể.

Dĩ nhiên, dữ liệu có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh, ví dụ nếu Nga cắt dòng chảy khí đốt sang châu Âu, Trung Quốc thắt chặt các biện pháp phòng dịch hơn nữa hoặc các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Nhưng ít nhất là ngay lúc này, cuộc suy thoái toàn cầu lần thứ 12 kể từ năm 1900 có vẻ vẫn chưa bắt đầu.