|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Nút thắt' ở Vinapaco

11:10 | 15/09/2019
Chia sẻ
Nhiều dự án của Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hoạt động không có hiệu quả, rao bán không có nhà đầu tư nào mua, đã và đang làm nghẽn tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Theo Đề án tái cơ cấu Vinapaco giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2025-2030, doanh nghiệp này thuộc diện cổ phần hóa năm 2018, nhưng do chưa xử lý dứt điểm được dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam nên phải lùi thời gian cổ phần hóa sang năm 2019 hoặc 2020.

'Nút thắt' ở Vinapaco  - Ảnh 1.

Tiêu dùng các loại giấy năm 2018 đạt 4,946 triệu tấn, tăng trưởng 16% so với năm 2017

Nợ gấp 3 lần vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, doanh thu của Vinapaco đạt 2.653 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với năm 2017. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại chiếm tới 2.190 tỷ đồng, tăng gần 280 tỷ đồng so với năm 2017, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 463 tỷ đồng. Theo đó, Vinapaco ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chỉ 106,4 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2017.

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Vinapaco hơn 6.148 tỷ đồng, giảm 180 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là hàng tồn kho chiếm tới 1.041 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 263,5 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 3.387 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối năm 2018 của Vinapaco ở mức 4.605 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 1.482 tỷ đồng. Như vậy, nợ đã cao gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, điều này đã đặt ra dấu hỏi rất lớn về an toàn tài chính của doanh nghiệp này.

6.148

tỷ đồng là tổng tài sản của Vinapaco tính đến thời điểm cuối 2018, giảm khoảng 180 tỷ đồng so với đầu năm.


Được biết, phần lớn khoản nợ nói trên đều liên quan tới dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, bởi hàng tồn chủ yếu là nguyên liệu đay và hóa chất kém chất lượng, nên chưa bán đấu giá được.

Cần cơ chế đặc thù

Được biết, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam ban đầu do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) là Chủ đầu tư, nhưng do thiếu vốn, nên đã được chuyển nhượng lại cho Vinapaco. Tuy nhiên sau đó, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...

Trước tình thế này, Bộ Công thương đã chỉ đạo Vinapaco thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy nhưng không thành công do giá trị thẩm định của dự án theo quy định hiện hành quá cao, và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm trong trường hợp bán đấu giá lần đầu đầu không thành công.

Do quá trình bán đấu giá dự án khá phức tạp, nên Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù tương tự cơ chế quy định tại Nghị định số 61/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án này. Sau khi bán đấu giá xong dự án, Vinapaco sẽ tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa; nếu bị âm vốn Nhà nước không đủ điều kiện cổ phần hóa thì sẽ trình Chính phủ xin phương án xử lý.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam được đầu tư thêm 3.000 tỷ đồng để thanh lý, nhưng sau 3- 4 lần đấu giá vẫn không có nhà đầu tư mua. Thậm chí, dù bán giá 1.000 tỷ đồng, vẫn rất khó tìm kiếm nhà đầu tư. Do vậy để cổ phần hóa toàn bộ Vinapaco, có lẽ cần xem xét có cơ chế đặc thù để xử lý dự án này.

Tái cơ cấu theo hướng nào?

Theo Đề án tái cơ cấu Vinapaco giai đoạn 2018-2020, sau tái cơ cấu, Vinapaco sẽ có 6 đơn vị sản xuất và kinh doanh dịch vụ; sáp nhập Xí nghiệp Dịch vụ và Xí nghiệp Vận tải thành Xí nghiệp Vận tải và Dịch vụ; thành lập mới Nhà máy chế biến gỗ.

Về các đơn vị hạch toán phụ thuộc, Vinapaco chấm dứt hoạt động của các đơn vị thua lỗ, giải thể chi nhánh tại Hà Nội, và sáp nhập các công ty lâm nghiệp trên cùng một địa bàn. Theo đó, số lượng đơn vị hạch toán phụ thuộc giảm từ 22 về 9 đơn vị.

Với 10 công ty liên kết và đầu tư khác, Vinapaco sẽ thực hiện thoái vốn theo lộ trình 2018-2021 nhằm tập trung nguồn lực cho đầu tư sản xuất giấy in, giấy viết tại Bãi Bằng, giấy tissue tại Sông Đuống và đầu tư sản xuất lâm nghiệp.

Trong báo cáo thực hiện Đề án tái cơ cấu mới đây, lãnh đạo Vinapaco thừa nhận các chỉ tiêu kinh tế Vinapaco đều không đạt mục tiêu đề ra, nhiều dự án phải dừng đầu tư và rao bán mãi không có nhà đầu tư nào mua.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung- Chuyên gia kinh tế, các đơn vị trực thuộc Vinapaco, như Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Nhà máy giấy Kon Tum và Nhà máy giấy Thanh Hóa, dự án giai đoạn 2 của Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Dự án nhà máy giấy Tissue… đều hoạt động không hiệu quả. Đó là thực trạng chung của các nhà máy giấy có vốn Nhà nước. Do vậy, tái cấu trúc và tiến tới cổ phần hóa Vinapaco là phương án tối ưu nhất, giúp doanh nghiệp này thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất.

Thách thức ngành giấy Việt

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), hiện việc đầu tư của các doanh nghiệp vào ngành công nghiệp giấy Việt Nam chưa bài bản, không tập trung, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị cũ; chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 90% số lượng và 60% năng lực sản xuất), năng lực tài chính hạn chế; liên kết doanh nghiệp trong ngành yếu, không hình thành được các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Nút thắt lớn nhất của ngành giấy là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước.

Hiện các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô để làm nguyên liệu sản xuất giấy thành phẩm. Bên cạnh đó, ngành giấy chưa có đủ dây chuyền sản xuất bột giấy từ gỗ, quy hoạch ngành giấy đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành…

Để gỡ khó cho ngành giấy, VPPA kiến nghị cần tiến hành xây dựng định hướng phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2030; đồng thời nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển vùng trọng điểm rừng trồng nguyên liệu giấy phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

Hà Phương

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.