|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều sai phạm nghiêm trọng việc cổ phần hóa tại Công ty IPC

21:13 | 12/09/2019
Chia sẻ
Theo kết luận thanh tra, Công ty IPC chưa tuân thủ đúng các qui định pháp luật liên quan đến các hoạt động của công ty; có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước.
Nhiều sai phạm nghiêm trọng việc cổ phần hóa tại Công ty IPC - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến sai phạm và xử lý sai phạm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty IPC), sau việc khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo Công ty IPC và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (công ty liên kết của Công ty IPC), Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất bản Kết luận số 14/KL-TTTP-P6, chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc cổ phần hóa tại Công ty IPC và các công ty có vốn góp của Công ty IPC.

Đáng chú ý, bên cạnh việc gửi bản Kết luận nói trên đến Ủy ban Nhân dân Thành phố và các sở ngành liên quan, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng chuyển gửi đến Thanh tra Chính phủ.

Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng

Theo Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty IPC chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật liên quan đến các hoạt động của công ty.

Trong quá trình hoạt động có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong tổ chức, hoạt động, công tác quản lý, vốn tài sản chính, việc xác định giá bán nền đất, việc thực hiện công tác cổ phần hóa, góp vốn liên doanh liên kết, việc thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định của pháp luật, dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian gây thiệt hại tài sản Nhà nước và của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển của công ty trong thời gian tới.

Công ty IPC thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình “công ty mẹ-công ty con." Tính đến ngày 31/12/2018, Công ty IPC có chín công ty con, trong đó có Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên phát triển Khu Công nghiệp Sài Gòn (gọi tắt là Công ty IPD) về sau cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (gọi tắt là Công ty ESL).

Tháng 3/2014, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Công ty IPD cổ phần hóa và chuyển thành Công ty ESL với vốn vốn điều lệ 652 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 489 tỷ đồng (chiếm 75% vốn điều lệ). Hoạt động của Công ty ESL là logictics, kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa… Người đại diện pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Văn Đậm, giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Ngày 25/10/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản số 1754/TTg-ĐMDN), trong đó Công ty IPD thực hiện cổ phần hóa Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trong giai đoạn 2012-2015. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các quyết định (Quyết định số 568/QĐ-UBND và Quyết định số 569/QĐ-UBND) thực hiện cổ phần hóa, xác định tại Công ty IPD, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Thế nhưng, trên cơ sở đề xuất của Công ty IPC và Công ty IPD, ông Tất Thành Cang, lúc này đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (về sau bị kỷ luật, cách chức trong Đảng liên quan đến sai phạm bán rẻ 32ha đất Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho doanh nghiệp) lại kết luận và chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước nắm tại Công ty IPD là 65%.

Đến ngày 30/12/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại có Quyết định số 7116/QĐ-UBND về chấp thuận phương án cổ phần hóa tại IPD, nhà nước nắm giữ tới 75% vốn điều lệ.

Theo Thanh tra Thành phố, việc xây dựng lộ trình cổ phần hóa, xác định tỷ lệ vốn Nhà nước tạm thời và sau cổ phần hóa tại Công ty IPD được Ủy ban Nhân dân Thành phố phê duyệt là trái với phương án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và của chính Ủy ban Nhân dân Thành phố. 

Trong quá trình cổ phần hóa, Công ty IPD không xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định đối với các khu đất được giao để thực hiện dự án trước khi xác định giá trị doanh nghiệp là không đúng với Nghị định số 59/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố chấp thuận tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tạm thời tại IPD là 65%, sau đó tăng lên 75% là không đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1754/TTg-ĐMDN ngày 25/10/2012 và Quyết định số 568/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc trình, thẩm định, đề xuất, cơ cấu, quy mô, vốn điều lệ là 652 tỷ đồng của IPD, việc Công ty IPC bổ sung thêm tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Công ty IPD là không có cơ sở, không phù hợp với Nghị định 59/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ. 

Trách nhiệm thuộc về Tổng Giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó việc xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa không phù hợp, dẫn tới giảm giá trị tài sản giao cho Công ty IPD để cổ phần hóa. Việc Công ty IPD góp vốn bằng quyền sử dụng đất 1.850m2 cùng với công ty khác nhưng không xác định theo giá thị trường là chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Tương tự, việc xác định giá trị các dự án mà Công ty IPC đang thực hiện như dự án khu nhà ở cán bộ, công nhân viên và chuyên gia Khu chế xuất Linh Trung, Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi là không nhất quán, bất hợp lý, không đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào dự án … làm giảm giá trị tài sản nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra Thành phố cũng chỉ rõ các khuyết điểm về thoái vốn của Công ty ESL tại Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Thái Dương, Công ty Cổ phần Tiếp vận Hồng Ngọc, Công ty Cổ phần Cơ khí và Đúc kim loại Sài Gòn, dẫn tới các khoản nợ khó có khả năng thu hồi.

Mặt khác, việc thực hiện dự án bất động sản khác cũng để xảy ra vi phạm như tại dự án tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, khu dân cư Hiệp Phước 1, khu dân cư Hiệp Phước 2, Khu dân cư Long Thới. 

Đặc điểm chung của các dự án này khi IPC và các công ty liên kết thực hiện là không tổ chức bán đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định giá vốn góp, giá trị chuyển nhượng chưa đầy đủ cơ sở, không phù hợp, áp dụng đơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng với giá thị trường, chuyển nhượng nền đất không đúng đối tượng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Đặc biệt là Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (Quận 2), theo Thanh tra Thành phố, sau cổ phần hóa Công ty ESL không tiếp tục đầu tư vào dự án đã tìm đốc tác thực hiện nhưng thực chất là để chuyển nhượng dự án khi đủ thủ tục pháp lý.

Mất quyền chi phối khai thác cảng Cát Lái

Bản Kết luận số 14/KL-TTTP-P6 của Thanh tra Thành phố nêu rõ, sau khi Công ty IPD chuyển thành Công ty ESL, Công ty ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác cảng Cát Lái nhưng thực tế Công ty ESL lại ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty Cổ phần Cát Lái Đông Sài Gòn, trong đó ESL chỉ góp vốn 20% vốn điều lệ của pháp nhân mới, để khai thác toàn bộ khu vực cảng Cát Lái.

Như vậy, công ty ESL trước và sau cổ phần hóa thể hiện không có năng lực phát triển cảng độc lập. Với tỷ lệ góp vốn 20% thì Công ty ESL không còn quyền chi phối, dẫn tới kết quả là đối tác khác nắm quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng.

Dự án Cảng Khu công nghiệp Cát Lái thực hiện chậm so với dự kiến, mặc dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay chỉ mới hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công ty ESL đang làm việc với Ủy ban Nhân dân quận 2 để xác nhận, bổ sung hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính và ký hợp đồng thuê đất nhà nước. 

Giai đoạn hai của dự án chưa thực hiện được do chưa xác định được vị trí và diện tích khu đất để hoán đổi cho Quân khu 7.

Sau cổ phần hóa, Công ty ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng việc cổ phần hóa tại Công ty IPC - Ảnh 2.

Quang cảnh cảng Cát Lái. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Từ những sai phạm, khuyết điểm nêu trên, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Hội đồng thành viên Công ty IPC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức, người đại diện vốn có liên quan trong việc cổ phần hóa tại Công ty ESL và một số công ty liên kết; chấn chỉnh công tác quản lý tài sản, tài chính, quản lý mặt bằng đảm bảo quyền lợi Công ty IPC của nhà nước.

Các cơ quan đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các công nợ còn tồn đọng tại Công ty IPC, Công ty ESL; xác định lại giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho nhà nước, lập lại phương án cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra, rà soát lại việc sử dụng đất của Công ty IPD để thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo đúng quy định.

Đáng chú ý, Thanh tra Thành phố kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Thanh tra Thành phố phối hợp với Công an Thành phố chuyển hồ sơ tài liệu sang Cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra và xử lý theo quy định đối với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây bất lợi và thiệt hại cho vốn nhà nước do Công ty IPC làm đại diện chủ sở hữu, có dấu hiệu tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp."

Cụ thể, vụ cổ phần hóa Công ty IPD thành Công ty ESL không tuân thủ quy định và các sai phạm sau cổ phần hóa tại Công ty ESL. Việc thực hiện dự án Long Thới và chuyển nhượng đất nền không đúng quy định, không phù hợp với giá thị trường dẫn tới khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC, vốn Nhà nước. 

Việc chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 và vụ Công ty IPC chuyển nhượng nền đất tại Khu định cư An Phú Tây không đúng quy định, không phù hợp với giá thị trường.


Trần Xuân Tình