Giải bài toán hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam
Trong thời gian qua, khi thị trường ô tô điện ngày càng sôi động với hàng loạt mẫu xe mới được ra mắt nhưng thị trường trạm sạc lại không mấy cải thiện. Nhiều chuyên gia lo ngại nút thắt này có thể kìm chân thị trường xe điện ở Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2018 - 2022, cả nước có 7.780 xe ô tô điện nhưng trong 8 tháng đầu năm nay, số xe điện đã tăng thêm 12.285 chiếc, trong đó chủ yếu là xe điện VinFast.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như TMT Motor, THACO, TC Motor và các hãng xe nước ngoài như OMODA, Wuling, Haima, Haval, Zhidou, Lynk & Co... đều rục rịch ra mắt những sản phẩm xe điện đầu tiên tại Việt Nam.
Ngược lại, tình hình phát triển các trạm sạc lại có vẻ như không theo kịp tốc độ này.
Theo số liệu từ VinFast, hãng có khoảng 150.000 cổng sạc được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành. Số trạm sạc này chỉ phục vụ chủ xe VinFast. Vì vậy, một số doanh nghiệp ngành năng lượng hiện đang bắt đầu triển khai các dự án xây dựng, lắp đặt trạm sạc, cổng sạc để phục vụ nhu cầu của thị trường.
TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho hay để các loại xe điện, nhất là ô tô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam thì phải có hạ tầng các trạm sạc tiêu chuẩn phủ khắp như xe chạy xăng.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ có hệ thống trạm sạc tương đối phủ rộng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM và cũng chỉ có trạm sạc do VinFast đầu tư. Hạ tầng sạc điện là bài toán cần giải quyết rồi mới tính đến chuyện phát triển ngành ô tô điện, cả phục vụ giao thông công cộng lẫn cá nhân.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Cường – Tổng giám đốc Công ty CP Ever EV, một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dòng sạc cho xe điện, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 như tuyên bố của Việt Nam tại COP26, cần có sự phát triển mạnh mẽ đối với ngành năng lượng xanh nói chung và ngành ô tô điện nói riêng.
Theo ông Cường, để xe điện vượt qua 5% tổng lượng ô tô bán ra của thị trường Việt Nam thì cần một yếu tố quan trọng là hạ tầng. Nhiều người dùng sẵn sàng chuyển đổi sang các phương tiện xanh hơn, tiết kiệm hơn nhưng điều kiện tiên quyết là hạ tầng phải đảm bảo.
"Theo tính toán, nếu trước đây mất khoảng 5 triệu đồng tiền xăng nhưng chuyển sang ô tô điện sẽ mất khoảng 2 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Rõ ràng, người tiêu dùng thấy lợi nhưng việc bất tiện về sạc điện khiến họ có khó có thể chuyển đổi", ông Cường nói.
Nhu cầu trạm sạc đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam. Theo ông Cường, ngoài khó khăn về thị trường, các nhà đầu tư trạm sạc còn gặp khó vì chưa có cơ chế, chính sách cho xe ô tô điện và hạ tầng trạm sạc.
"Chúng tôi kỳ vọng các chính sách này sẽ ngày càng rõ ràng hơn, tạo điều kiện khuyến khích hơn. Cụ thể về thủ tục xây dựng trạm sạc ô tô điện trên khu đất mới gồm những gì? Việc có quy định rõ ràng, cụ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân trong đầu tư", ông nói.
Cùng với sự vào cuộc của nhà nước, sự chung tay của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Bởi thực tế tiềm năng của ngành xe ô tô điện rất lớn. Sự đồng hành, liên kết của các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái chung cho ngành xe điện nói chung và hạ tầng trạm sạc xe điện.
Sau thời gian khá dài nghiên cứu thị trường, tham vấn ý kiến đóng góp, đề xuất của giới chuyên gia, doanh nghiệp ngành ô tô, mới đây Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, trình báo cáo lên Chính phủ.
Trong đó, Bộ kiến nghị Chính phủ sớm có quy định về hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, các công trình đầu tư mới hoặc cải tạo lại được phép xây trụ sạc mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Cần ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện, nguồn cung điện để trạm sạc hoạt động,..