Nửa cuối 2020: TTCK có thể xấu ngắn hạn, ẩn số bất ngờ với dòng tiền nội trong bối cảnh lãi suất thấp
Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp kết thúc nửa đầu năm tương đối biến động với sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo đó, thị trường đã giảm sâu vào cuối quí 1 nhưng lại cân bằng ngay sau đó.
Có thể nói rằng thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh mẽ trong quí 2 nhờ sự gia nhập của dòng tiền NĐT trong nước. Cùng với đó là việc giảm áp lực bán ròng từ khối ngoại đã giúp thị trường sớm cân bằng.
Để nhà đầu tư có góc nhìn tổng quan về nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm nay, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI).
Thị trường có thể xấu trong ngắn hạn
PV: Bà có thể cho biết nhận định về triển vọng TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm 2020?
Bà Hoàng Việt Phương: Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm thường phụ thuộc vào triển vọng kinh tế cuối năm và tình hình 2021.
Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng quyết tâm không để dịch bệnh quay lại. Điều này cũng có nghĩa là ngành du lịch sẽ chưa thể đưa đón khách du lịch quốc tế, ít nhất cho đến trước tháng 9. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến ngành du lịch nói riêng và có tác động lan truyền đến các ngành khác, đặc biệt là khu vực dịch vụ (thường chiếm trên 40% GDP). GDP quý 2 đã được công bố ở mức 0,36% và GDP quý 3 chúng tôi cho rằng sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Mặt khác, điểm tích cực là chính phủ nhiều nước đều đang áp dụng chính sách nới lỏng tài khóa và duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Tại Việt Nam, ngoài việc lãi suất được giảm xuống mức thấp, nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ việc chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định do quá trình chuyền dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết như EVFTA.
PV: Bà dự báo như thế nào về vùng dao động của VN-Index trong 6 tháng cuối năm?
Bà Hoàng Việt Phương: Nhìn tổng thể thị trường có thể xấu trong ngắn hạn do hoạt động kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Vào thời điểm cuối năm, trong trường hợp dịch bệnh không quay trở lại tại Việt Nam thì nhà đầu tư sẽ nhìn sang triển vọng tăng trưởng của 2021 dự kiến sẽ tích cực trên nền thấp của 2020.
PV: Theo bà, đâu là chủ đề đầu tư (Catalyst) của thị trường trong 6 tháng cuối năm?
Bà Hoàng Việt Phương: Các chủ đề đầu tư của thị trường trong 6 tháng cuối năm về cơ bản sẽ vẫn là các chủ đề chung của cả năm 2020 như chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (các ngành hưởng lợi là dịch vụ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu xây dựng); triển khai hiệp định EVFTA và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu (ngành hưởng lợi là BĐS khu công nghiệp, dịch vụ hậu cần).
Trong điều kiện Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích chống dịch COVID-19 như hiện tại, nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục hồi phục, tạo bệ đỡ cho tăng trưởng. Các ngành nghề dựa trên nhu cầu nội địa ổn định, có khả năng trả cổ tức cao sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
PV: Thị trường toàn cầu đang phải đối mặt với rủi ro lớn từ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, bà đánh giá tác động của điều này đối với TTCK Việt Nam?
Bà Hoàng Việt Phương: Thị trường Viêt Nam đang phản ánh mức biến động khá sát với TTCK thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Điều này cũng có thể phản ánh trong bối cảnh dịch bệnh thì các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng và có tác động lẫn nhau.
Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư cũng có ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam vì hiện tại trên thị trường niêm yết nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 24% giá trị vốn hóa trên HOSE.
PV: Ngoài ra, TTCK Việt Nam còn đang đối mặt với những rủi ro nào?
Bà Hoàng Việt Phương: TTCK luôn phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Rủi ro lớn nhất là kinh tế yếu kém, trì trệ, doanh nghiệp khó tăng trưởng dù là do nguyên nhân dịch bệnh hay nguyên nhân khác.
Ẩn số từ dòng tiền nội trong bối cảnh lãi suất thấp
PV: TTCK Việt Nam bị rút ròng mạnh trong 4 đầu năm, nhưng khối ngoại đã thu hẹp đà bán ròng trong tháng 5 và mua ròng trong tháng 6 nhờ thương vụ VHM. Bà nhận định như thế nào về diễn biến của dòng vốn ngoại trong 6 tháng cuối năm?
Bà Hoàng Việt Phương: Chúng tôi nhận thấy dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện tại vẫn ở tâm lý thận trong. Tại Việt Nam, điểm tích cực là dòng vốn ETF thu hút 943 tỷ vốn tăng thêm tính từ đầu tháng 5 đến nay. Đóng góp chủ yếu là từ các quỹ ETF nội là VFMVN Diamond ETF (1.133 tỉ đồng) và SSIAM VNFIN Lead ETF (271 tỉ đồng). Dòng vốn ETF có thể tiếp tục là điểm sáng trong 6 tháng cuối năm.
PV: Dòng vốn nội gia nhập và đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy thị trường. Dòng vốn này cũng đem lại khá nhiều bất ngờ cho giới phân tích. Bà dự báo thế nào dòng vốn nội trong thời gian còn lại của năm?
Bà Hoàng Việt Phương: Thời gian qua, các nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho sự hồi phục mạnh mẽ của các TTCK thế giới cũng như Việt Nam. Trong 6 tháng cuối năm, với diễn biễn dịch bệnh trên thế giới và dòng vốn ngoại rất khó lường, dòng vốn đầu tư trong nước có thể tiếp tục là ẩn số bất ngờ trong bối cảnh lãi suất thấp sẽ được duy trì đến 2021.
Xin cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn!
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/