|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ doanh nhân cáo buộc Apple lấy cắp bản quyền biểu tượng cảm xúc

07:23 | 20/09/2020
Chia sẻ
Cáo buộc Apple xâm phạm bản quyền, lấy cắp công nghệ tạo biểu tượng cảm xúc, một phụ nữ ở Mỹ yêu cầu nhà sản xuất điện thoại iPhone ngừng sử dụng công nghệ của cô và bồi thường.

Katrina Parrott, một nữ doanh nhân người Mỹ gốc Phi, vừa kiện Apple ra tòa. Nữ doanh nhân kể rằng, cô từng đăng kí bản quyền đối với phương pháp cho phép người dùng chọn 5 màu da để tạo màu cho các biểu tượng cảm xúc trên App Store vào năm 2013 và kho nhạc iTunes vào năm 2014.

Vào năm 2014, Katrina đã đề nghị hợp tác với Apple để phát triển bộ biểu tượng cảm xúc. Cô đã gặp và liên lạc nhiều lần với hai kĩ sư phần mềm của Apple, để họ tiếp cận khá sâu với công nghệ của cô, theo Bloomberg.

Hồi tháng 4/2015, Apple công bố bảng màu để tạo biểu tượng cảm xúc của riêng họ, rồi loại bộ biểu tượng cảm xúc của Katrina ra khỏi App Store.

Nữ doanh nhân cáo buộc Apple lấy cắp bản quyền biểu tượng cảm xúc - Ảnh 1.

Katrina Parrott, nguyên đơn trong vụ kiện Apple xâm phạm bản quyền, lấy cắp ý tưởng và công nghệ tạo nên biểu tượng cảm xúc. (Ảnh: Getty Images)

Trong đơn kiện mà Katrina nộp lên tòa án liên bang ở thành phố Waco, bang Texas, cô cáo buộc Apple xâm phạm bản quyền và hình ảnh thương mại tổng thể của cô, chiếm đoạt ý tưởng và công nghệ của cô, cạnh tranh không lành mạnh. 

Nguyên đơn đề nghị tòa án cấm Apple sử dụng thành tựu của cô, đồng thời yêu cầu Apple bồi thường tiền dựa trên lợi nhuận và cơ hội kinh doanh đã mất do hành vi xâm phạm bản quyền.

Vụ kiện đình đám nhất mà Apple đối mặt trong năm nay liên quan tới nhiều người dùng điện thoại iPhone. Các nguyên đơn cáo buộc Apple thay đổi hệ điều hành khiến điện thoại của họ tự động sập nguồn trong khi pin vẫn đầy. Hiện tượng ấy bắt đầu từ năm 2016.

Ban đầu, Apple tuyên bố một số điện thoại iPhone 6S có thể gặp trục trặc với pin và đề nghị thay pin miễn phí cho chủ nhân của những điện thoại này. Nhưng sau đó, hàng trăm khách hàng dùng phiên bản 6, 6 Plus, 6s Plus, 7, 7 Plus và SE cũng gặp sự cố tương tự, cho thấy hiện tượng sập nguồn đột ngột là vấn đề qui mô lớn.

Một mặt, Apple nâng cấp hệ điều hành để khắc phục sự cố. Mặt khác, tập đoàn vẫn khẳng định hiện tượng sập nguồn đột ngột phát sinh do pin xuống cấp theo thời gian, và khuyến nghị người dùng thay pin với mức giá 29 USD. Hành động của Apple khiến làn sóng phản đối lan rộng.

Đến tháng 12/2017, Apple phải thừa nhận họ thay đổi hệ điều hành để làm giảm hiệu năng điện thoại, gây nên hiện tượng sập nguồn khi pin vẫn còn điện, đồng thời xin lỗi khách hàng. Bất bình trước cách hành xử không trung thực của Apple, các nạn nhân đã tập hợp lại để nộp đơn kiện tập thể, đòi Apple bồi thường cho những tổn thất mà hãng gây nên.

Hồi tháng 3 năm nay, tòa yêu cầu Apple trả tối thiểu 310 triệu USD và tối đa 500 triệu USD để bồi thường 25 USD cho mỗi điện thoại chịu ảnh hưởng bởi hành vi thay đổi hệ điều hành. Apple đồng ý với phán quyết của tòa. 25 USD là số tiền mà chủ sở hữu iPhone phải chi để thay pin mới do sự cố sập nguồn.

Ngoài bê bối pin, Apple cũng đối mặt hàng loạt vụ kiện chống cạnh tranh ở Pháp và Mỹ. Hồi đầu năm, Cơ quan Giám sát cạnh tranh Pháp đã phạt Apple 1,1 tỉ euro (1,23 tỉ USD) do vi phạm luật cạnh tranh. AFP đưa tin Apple đã lợi dụng sự phụ thuộc kinh tế của các bên phân phối độc lập, áp đặt các điều kiện kinh tế không công bằng đối với họ so với mạng lưới bán lẻ của tập đoàn. 

Cơ quan Giám sát cạnh tranh Pháp đã điều tra từ năm 2012 đến nay, và 1,23 tỉ USD là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước tới nay mà họ từng đưa ra.

Nhạc Phong