|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Apple ban hành qui tắc mới cho App Store khiến Google, Microsoft vạ lây

21:58 | 12/09/2020
Chia sẻ
Bộ qui tắc mới được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các dịch vụ phát trò chơi trực tuyến của Google và Microsoft.

Hôm qua, Apple đã sửa đổi qui tắc cho App Store sau khi phát hành bản iOS 14 beta mới trên các thiết bị iPhone. Theo đó, Apple sẽ vận dụng những qui tắc mới này để phê duyệt hoặc từ chối các ứng dụng và bản cập nhật trên cửa hàng ứng dụng App Store.

Những qui tắc đã nhận được những chỉ trích gay gắt từ phía các lập trình viên ứng dụng, khi cho rằng Apple đang lạm quyền trên App Store và cùng khoản phí "hoa hồng" bất hợp lí mà nhà sản xuất iPhone thu từ các ứng dụng có mặt trên cửa hàng này.

Đơn cử, trước đó Epic Games, đơn vị sở hữu tựa game Fortnite, đang trong cuộc chiến pháp lí cam go với Apple về một số qui tắc mà Táo khuyết đặt ra, bao gồm cả yêu cầu bắt buộc phần mềm phải có tính năng mua hàng trong ứng dụng.

Trong tháng trước, Apple đã gỡ bỏ Fortnite khỏi cửa hàng ứng dụng của mình.

Thời gian gần đây, Microsoft và Facebook đã công khai chỉ trích những qui tắc của Apple đã làm hạn chế những gì ứng dụng chơi game của họ có thể làm được trên iPhone và iPad. Dịch vụ xCloud của Microsoft không khả dụng trên iOS và ứng dụng trò chơi của Facebook trên iPhone không có trò chơi nào cả.

Apple nói rằng, các dịch vụ trò chơi trực tuyến, chẳng hạn như Google Stadia và Microsoft xCloud, hiện được cho phép một cách rõ ràng. Nhưng phải đi kèm một số điều kiện: Trò chơi được cung cấp trong dịch vụ cần phải được tải xuống trực tiếp từ App Store, không phải từ ứng dụng tất cả trong một.

Các nhà sản xuất ứng dụng được phép phát hành cái gọi là "danh mục ứng dụng" liên kết đến các trò chơi khác trong dịch vụ, nhưng mỗi trò chơi sẽ cần một ứng dụng riêng lẻ.

Apple ban hành qui tắc mới cho App Store khiến Google, Microsoft vạ lây - Ảnh 1.

Bộ qui tắc mới được cho là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các dịch vụ phát trò chơi trực tuyến của Google và Microsoft. (Ảnh: Yahoo News UK).

Điều đó có nghĩa là, nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ game trực tuyến có 100 trò chơi, bạn buộc phải tải 100 trò chơi đó trên App Store. Bằng cách này, Apple sẽ chiết khấu 30% doanh thu từ mỗi trò chơi được tải xuống trên App Store.

"Đây thực sự là một trải nghiệm tồi tệ cho khách hàng. Người chơi muốn tham gia trực tiếp vào một trò chơi từ danh mục được quản lí của họ trong một ứng dụng duy nhất, tương tự như ứng dụng xem phim hoặc nghe nhạc, và không bị buộc phải tải xuống cả 100 ứng dụng để chơi từng trò chơi một từ đám mây", đại diện Microsoft cho biết trong một tuyên bố.

Đại diện Google từ chối đưa ra bình luận.

Các qui tắc mới đã khoét sâu hơn nữa sự căng thẳng giữa quyền kiểm soát của Apple đối với nền tảng của họ, mà theo họ là vì lí do an toàn và bảo mật, với ccasc dịch vụ trò chơi mới nổi được nhiều người coi là biểu tượng tương lai của ngành công nghiệp game.

Các dịch vụ trò chơi trực tuyến muốn hoạt động như một nền tảng độc lập, chẳng hạn như phê duyệt các trò chơi riêng lẻ và quyết định sẽ cung cấp trò chơi nào cho người chơi. Trong khi ngược lại, Apple muốn các dịch vụ trò chơi trực tuyến hoạt động giống như một gói trò chơi hơn, và họ phải là người quản lí từng trò chơi riêng lẻ mà người dùng tải xuống.

Apple không có dịch vụ trò chơi đám mây, nhưng hiện tại họ đang cung cấp một gói đăng kí trò chơi trên iOS có tên là Apple Arcade.

Một thay đổi khác liên quan tới các ứng dụng cung cấp khoá học trực tuyến. Kể từ khi đại dịch xảy ra, một số công ty trước đây có khoá học trực tiếp đã bắt đầu cung cấp các lớp học ảo trên ứng dụng di động.

Qui tắc cũ của Apple qui định, tất cả các lớp học ảo buộc phải sử dụng qui trình thanh toán trong ứng dụng App Store.

Tuy nhiên, với qui tắc mới, Apple cho phép các lớp học ảo một thầy một trò có thể bỏ qua phương thức thanh toán của Apple. Nhưng đối với lớp học có nhiều thành viên tham gia, người học sẽ vẫn phải thanh toán thông qua tính năng mua hàng trong ứng dụng.

Hiện những thay đổi về bộ qui tắc mới đã được cập nhật trên trang web chính thức của Apple.

Thiên Trường