|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ doanh nhân bất động sản công nghiệp nói về cái giá phải trả khi ưu tiên bổ nhiệm người thân vào vị trí quản lí

19:28 | 25/06/2019
Chia sẻ
Từng bổ nhiệm nhiều người thân vào vị trí quản lý, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhận ra rằng bộ máy quản lí toàn người thân không hoạt động hiệu quả như bà mong đợi.

Giới kinh doanh coi Nguyệt Hường là "bà đỡ" cho các khu công nghiệp ở miền Bắc và cũng là chuyên gia về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện tại, bà là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings.

Ủng hộ quan điểm kỹ trị trong quản trị doanh nghiệp

Trước khi trở thành doanh nhân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là cử nhân Ngôn ngữ, cử nhân Anh văn, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Chồng bà, ông Trần Anh Tuấn, là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (Maritime Bank).

Khởi nghiệp từ khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, bà Hường đã bước vào độ tuổi mà nhiều doanh nhân bắt đầu tính chuyện đào tạo, dẫn dắt để các con nối nghiệp. 

Về chuyện giao quyền điều hành kinh doanh cho con, bà Hường nhận định các nhà sáng lập doanh nghiệp chỉ nên giao quyền nếu con của họ hội tụ 3 yếu tố: có niềm đam mê kinh doanh, từng trải qua quá trình đào tạo bài bản và có khả năng điều hành một cách chuyên nghiệp.

"Nếu những đứa con không hội tụ đủ 3 yếu tố ấy, nhà sáng lập nên thuê nhà điều hành chuyên nghiệp để họ duy trì sự tồn tại của thương hiệu và để con trở thành nhà đầu tư hay cổ đông lớn. Những thế hệ tiếp theo cũng có thể trở thành cổ đông, nhà đầu tư của công ty", nữ doanh nhân nhận định.

DSCF2249

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường và con trai tham dự hội thảo về kế nghiệp trong doanh nghiệp gia đình tại Hà Nội hôm 25/6. Ảnh: Nhạc Dương

Văn hóa doanh nghiệp, theo bà Hường, phụ thuộc rất lớn vào khả năng quản trị của người đứng đầu.

"Cá nhân tôi ủng hộ trường phái kỹ trị, tức là dùng những nhà điều hành chuyên nghiệp để chèo lái công ty, bất kể đó là con, người thân hay người ngoài. Điểm mấu chốt là chúng ta phải trao ngọn cờ vào đúng tay, phải chọn người có năng lực để giao quyền", bà Hường nhấn mạnh.

Từng trả giá vì sử dụng nhiều người thân trong bộ máy quản lý doanh nghiệp

Đối với vấn đề sử dụng người thân trong dòng họ, gia đình để quản lý, điều hành doanh nghiệp, bà Hường kể rằng trong thập niên 80, 90, bà từng chú trọng bổ nhiệm người nhà vào các vị trí quản lý. Nhưng sau nhiều năm, nữ doanh nhân nhận ra rằng, cùng với đà phát triển nhanh của công ty, bà cần một đại gia đình rất lớn để "lấp đầy" những vị trí quản lý mới.

"Một vấn đề cần lưu ý là chưa chắc người trong gia đình sẽ vận hành kinh doanh hiệu quả. Ban đầu tôi luôn tin rằng người trong gia đình có thể tin tưởng lẫn nhau nên quá trình vận hành kinh doanh sẽ diễn ra thuận lợi. Nhưng thực tế đã diễn ra không giống như kỳ vọng của tôi", bà Hường kết luận.

Ngoài ra, theo nữ doanh nhân, việc người thân nắm toàn bộ vị trí quản lý có thể dẫn tới tình trạng "chính trị nội bộ" (những người thân trong gia đình có thể tìm cách lấy lòng người nhau để thuận lợi hơn trong công việc).

"Sau khi bỏ chính sách ưu tiên người thân nắm vị trí quản lý, chúng tôi từng mời những tổ chức tư vấn kinh doanh lớn như McKenzie để giúp chúng tôi cơ cấu lại hệ thống quản trị cho phù hợp", bà Hường kể.

Nữ doanh nhân lập luận rằng, mọi doanh nghiệp gia đình nên xây dựng một cấu trúc quản trị cố định để duy trì sự ổn định của công ty. Những người đứng đầu – dù thuộc thế hệ thứ nhất hay thứ hai – đều phải tuân thủ cấu trúc ấy.

Quan điểm của bà Hường là nếu doanh nghiệp chưa thể xây dựng hệ thống quản trị tối ưu, họ nên thuê những tổ chức tư vấn chuyên nghiệp và có uy tín chứ không nên tự mày mò, bởi các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Một lợi ích khác là kinh nghiệm, chuyên môn của tổ chức tư vấn cũng sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển.

Nữ doanh nhân nổi danh trong mảng bất động sản công nghiệp

Bà Nguyệt Hường đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) từ năm 2016, khi mới 37 tuổi. Khi đó, VID Group ra đời với 6 thành viên. Về sau, số thành viên trong VID Group phát triển lên 12 công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản.

Nữ doanh nhân sinh năm 1970 từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khoá 12, 13 và đại biểu Quốc hội khoá 12, 13. Bà còn có thời gian giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.

Nhạc Dương

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.