|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản Bắc vào thị trường Nam, 'tưởng dễ mà khó không tưởng'

20:05 | 19/07/2019
Chia sẻ
Chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ cũng như tính ổn định nguồn cung của nông sản đang là đòi hỏi cao của thị trường tiêu thụ, không chỉ xuất khẩu mà cả trên chính sân nhà.

Tiềm năng nhưng nhiều thách thức

Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại TP HCM ngày 19/7, nhiều ý kiến cho rằng nông sản, đặc biệt là trái cây của các tỉnh phía bắc đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường miền Nam. 

Tuy nhiên, lại gặp không ít khó khăn thách thức về năng lực sản xuất cũng như áp lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng diện tích cây ăn quả của các tỉnh phía Bắc hiện nay ước đạt 393.000 ha, chiếm gần 40% diện tích cây ăn quả của cả nước.

Trong đó, nhóm cây ăn quả chủ lực phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là chuối với hơn 66.000 ha, sản lượng gần 1,1 triệu tấn/năm; vải với hơn 58.300 ha, sản lượng 350.000 tấn/năm; diện tích nhãn là 44.000 ha, sản lượng hơn 241.000 tấn/năm. 

Lợi thế của khu vực phía bắc là đã hình thành những vùng cây ăn quả tập trung qui mô lớn như: vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương), nhãn lồng (Hưng Yên, Sơn La), cam (Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh), mận (Lào Cai, Sơn La)…

Tuy nhiên, số lượng các vùng chuyên canh chưa nhiều, qui mô sản xuất vẫn ở mức nhỏ lẻ, phân tán khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, năng suất bình quân nhiều loại cây ăn quả còn thấp so với các vùng khác và so với tiềm năng của giống, điều này bắt nguồn từ khả năng đầu tư thấp, trình độ áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế, chưa đồng đều, đặc biệt ở các tỉnh miền núi. 

Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông, kho bảo quản và phương tiện vận chuyển ở các vùng sản xuất tập trung cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển sản xuất khiến việc bảo quản, lưu thông hàng hóa tốn nhiều thời gian, chi phí mà tỉ lệ hao hụt lại cao. 

Đáng nói nhất, việc tổ chức liên kết sản xuất trong vùng còn yếu và chưa hiệu quả. 

Đa số doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu gom của thương lái nên khó khăn trong quản lí, truy xuất nguồn gốc, chất lượng trái cây không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất khẩu, ông Nguyễn Như Hiến nói.

e640532b81c965973cd8

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Như Huỳnh.

Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op. 

Theo ông Toàn, hiện nay, chuỗi siêu thị Sài Gòn Co.op, mỗi ngày tiêu thụ hơn 200 tấn rau củ quả.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay chất lượng nông sản trái cây của Việt Nam không đồng đều, ổn định, hạ tầng giao thông và công nghệ bảo quản hạn chế khiến nông sản giảm chất lượng nhanh.

"Mặt hàng nông sản Việt Nam gần như chiếm toàn bộ kệ hàng của siêu thị nhưng Sài Gòn Co.op vẫn khó thể kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu đối với sản phẩm của bà con nông dân. 

Vẫn còn tình trạng chưa ổn định về sản lượng cũng như chất lượng nông sản cung cấp cho siêu thị", ông Toàn cho biết.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, vùng miền

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn ở miền Bắc với hơn 62.000 ha, sản lượng trái cây năm 2019 ước đạt khoảng 410.000 tấn với chủng loại trái cây phong phú gồm xoài, nhãn, mận...

"Xuất khẩu là con đường nâng cao giá trị, thương hiệu cho nông sản, trái cây Việt nhưng các doanh nghiệp, địa phương sản xuất nông sản, trái cây không nên bỏ qua thị trường tiêu dùng trong nước", ông Công nhận định.

68ea0683d461303f6970

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam (ở giữa) và đại diện các Bộ, ngành tham dự Diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo đó, để khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phải đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, vùng miền.

"Ví dụ như việc kết nối tiêu thụ trái xoài cát giữa Sơn La và Đồng Tháp rất khả thi bởi khi xoài Đồng Tháp hết vụ thì xoài Sơn La mới bắt đầu cho thu hoạch, hoặc Sơn La có các loại trái cây ôn đới như mận, đào, lê mà Đồng Tháp không trồng được và ngược lại.", ông Nguyễn Thành Công cho hay.

Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản thông qua các hệ thống phân phối, bán lẻ cũng là một hình thức kết nối hiệu quả mà nhiều địa phương đang thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Sài Gòn Co.op, cho biết hệ thống đang rộng cửa đón nhận các nông sản của nông dân trên cả nước.

Tuy nhiên, nhà sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh nông sản, trái cây của Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn, đảm bảo việc duy trì cả về số lượng và chất lượng sản phẩm.

5ce51d89cf6b2b35727a

Nhiều sản phẩm nông sản trưng bày bên lề diễn đàn được doanh nghiệp, đối tác quan tâm. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: "Hiện cả nước có hơn 14.500 HTX nông nghiệp, hơn 50% hoạt động hiệu quả nhưng mới chỉ có 24% HTX liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp. Theo kế hoạch tới năm 2025, con số này mới nâng lên 50%".

Do đó, để HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng việc liên kết, kết nối đưa các sản phẩm nông sản của các HTX tiêu thụ tại thị trường trong nước là rất cần thiết.

"Cần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của các HTX, người nông dân để tạo sự uy tín với khách hàng, với doanh nghiệp và với thị trường.

Mặt khác, các HTX cần xây dựng được chuỗi giá trị bền vững vừa là sản xuất bền vững, vừa đảm bảo được sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Qua đó, tạo một cơ chế để làm sao lưu thông hàng hóa nông sản của hai miền Nam - Bắc", đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Như Huỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.