|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc không còn 'dễ tính' đối với rau quả Việt

17:29 | 20/06/2019
Chia sẻ
Thị trường "dễ tính" Trung Quốc đang siết chặt các qui định về quản lí, kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là rau quả đối với tất cả nước nhập khẩu. Việc đưa hàng sang nước láng giềng sẽ trở nên khó khăn nếu doanh nghiệp Việt chưa thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu.

Rau quả gặp khó trên thị trường Trung Quốc

Tại Hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các qui định về quản lí, kiểm soát xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản tổ chức ngày 20/6 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, cho biết xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc những tháng đầu năm 2019 có giảm tốc so với năm 2018.

Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5 đạt 358,9 triệu USD, giảm hơn 23% so với tháng trước. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả tới hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh, đạt 1,8 tỉ USD, tăng 6,1% so với cùng kì  2018. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm, đạt 1,28 tỉ USD, chỉ tăng khoảng 2,3%.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân sụt giảm do nhiều mặt hàng Việt Nam thường xuất tiểu ngạch nay không xuất được nữa. Trong khi đó, phần chính ngạch dù có được đẩy mạnh lên nhưng nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong vấn đề thủ tục nên việc xuất khẩu cũng gặp khó khăn.

Đáng chú ý, theo ông Nguyên: "Bây giờ ngay cả thị trường thoải mái nhất là Trung Quốc cũng siết chặt về qui định dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm. Bước đầu người dân chưa được thông tin rộng rãi về các chất được hoặc không được sử dụng còn doanh nghiệp gặp khó về giấy tờ, thủ tục xuất khẩu chính ngạch".

a3117c196a7f8e21d76e (1)

Quang cảnh hội thảo quốc tế trao đổi thông tin, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, các qui định về quản lí, kiểm soát xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản tổ chức ngày 20/6 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Thực tế, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu là rơm bằng các xốp lưới ni lông, với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tất cả loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng kí mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. 

Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… phải được cơ quan nước xuất khẩu là Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.

Đại diện Tổng cục hải quan Trung Quốc cũng thừa nhận hiện nay việc quản lí, kiểm soát nông sản được thực hiện cả trước, trong và sau nhập khẩu.

Cụ thể, trước khi nhập khẩu, Trung Quốc đưa ra các qui định về trách nhiệm về quản lí nhà nước và truy cứu trách nhiệm đơn vị sản xuất. Sau khi ký hợp đồng, thì đưa ra các quy định hợp lí trong kiểm địch động thực vật.

Trong quá trình nhập khẩu nhà nhập khẩu phải khai báo với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và nộp các hồ sơ chứng minh liên quan. Tổng cục Hải quan sẽ có trách nhiệm giám sát, kiểm định cũng như kiện toàn các quy định nhập khẩu của mình.

"Sau khi nhập khẩu thì phải có chế độ kiểm dịch chi tiết rõ ràng. Nếu phát hiện có vấn đề trong lô hàng nhập khẩu thì phải có biện pháp ứng phó nhanh, cũng như có biện pháp giám sát nhập khẩu ngay tại cửa khẩu", đại diện Tổng cục hải quan Trung Quốc thông tin.

Thay đổi tư duy để nông sản Việt lúc nào cũng bán được

Với kinh nghiệm xuất khẩu chuối theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long AN - Mỹ Bình chia sẻ với người viết: "Các mặt hàng tốt vẫn có cửa bán sang Tung Quốc. Chúng ta phải nhìn nhận rõ thị trường Trung Quốc có nhiều 'đẳng cấp', do trước đây chúng ta thường tiếp cận 'đẳng cấp' thấp nên bây giờ chúng ta phải nâng cấp lên. Đây là câu chuyện của sự phát triển chứ không phải rào cản".

Việc giá cả thị trường lên xuống theo từng thời điểm của nguồn cung là câu chuyện bình thường nhưng "chúng ta phải sản xuất hàng tiêu chuẩn để lúc nào sản phẩm cũng bán được, không có tiêu chuẩn thì hàng hóa sẽ lúc bán được lúc không dẫn đến tình trạng giải cứu", ông Huy chia sẻ.

Đồng quan điểm, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khả năng sản xuất của ngành trồng trọt trong nước vẫn đang phát triển tốt, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các điệu khắt khe của thị trường các nước.

Trong điều kiện thương mại mở cửa hiện nay, việc tận dụng các điều kiện thuận lợi sẵn có từ vị trí địa lý, chi phí logistic, nhu cầu, thị hiếu... là rất quan trọng.

"Nếu chúng ta sản xuất được sản phẩm an toàn thì Trung Quốc vẫn là thị trường rất lớn. Khả năng vài năm tới kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 4 tỉ USD. Hi vọng từ nay đến cuối năm khi doanh nghiệp đã nắm rõ được thông tin sẽ có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Nguyên chia sẻ.

74da6bbc7dda9984c0cb

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng các lãnh đạo Bộ, ngành và đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa 2 nước tiếp tục tăng trưởng bền vững. 

"Buổi trao đổi thông tin, nghiệp vụ trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc là hoạt động rất cần thiết cho doanh nghiệp trong nước đang có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này nhằm tháo gỡ các qui định, vướng mắc. Bởi thực tế thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp trong nước cũng chưa đảm bảo tốt các điều kiện xuất khẩu đặt ra", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng các qui định mà phía Trung Quốc đang thắt chặt, tuy là khắt khe nhưng hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung ở các thị trường khó tính khác.

"Ngành nông nghiệp muốn các doanh nghiệp phải chuyển đổi dần tư duy, nên hướng đến việc xuất khẩu hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.





Như Huỳnh

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.