Nông nghiệp hữu cơ: cần, nhưng không dễ!
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần nhưng không dễ. Trong ảnh là sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh Hậu Giang được trưng bày tại một hội nghị. Ảnh: Trung Chánh
Tâm lý tiêu dùng là rào cản lớn của nông sản hữu cơ
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang dần được các nước trên thế giới tiếp nhận mạnh mẽ. Song, ở thị trường trong nước, loại sản phẩm này đang rất gian nan trong “chinh phục” người tiêu dùng.
Trao đổi với TBKTSG Online, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, về thị trường tiêu thụ, ở các nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển, khi sản phẩm nông sản của người nông dân được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, đã được chứng nhận, thì các đơn vị phân phối sẵn sàng mua để đưa đến cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, thị trường tiêu dùng ở Việt Nam chưa đi lên đến mức cao cấp như nước ngoài, người tiêu dùng còn tâm lý e ngại nông sản hữu cơ là nông sản đắt tiền.
Theo lý giải của GS Xuân, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho năng suất rất thấp vì sản phẩm hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học và các chất kích thích tăng năng suất, trong khi chi phí đầu tư lớn dẫn đến sản phẩm có giá thành cao, cho nên, không thể cạnh tranh được với sản phẩm khác.
“Đa số người tiêu dùng trong nước chưa quan tâm sản phẩm hữu cơ hay không hữu cơ, miễn sao giá rẻ là được”, ông nói và cho rằng đây là rào cản rất lớn trong việc “chinh phục” thị trường của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Lý Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) cho rằng, chi phí đầu vào để sản xuất sản phẩm hữu cơ rất cao dẫn đến đầu ra sản phẩm phải bán với giá gấp 2-3 trở lên so với giá chợ.
“Với mức giá như vậy chỉ chấp nhận được với khách tìm kiếm rau an toàn thôi, mà cụ thể phần lớn là khách thượng lưu”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn dẫn trường hợp của Công ty Viễn Phú, đơn vị sản xuất gạo hữu cơ ở Cà Mau cho biết, việc phát triển sản phẩm hữu cơ không phải dễ.
“Anh Khải (ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú) cũng chọn nhiều giống lúa, nhưng giống có giá trị, thì bị hạn chế người tiêu dùng, còn giống lúa thường canh tác hữu cơ, thì lại bị lãng phí”, ông Sơn cho biết và dẫn chứng với loại gạo thường (sản xuất hữu cơ) của Viễn Phú đưa ra thị trường có giá khoảng 52.000 đồng/kg, nhưng khi nấu cơm không ngon, người tiêu dùng không chấp nhận.
“Còn loại ăn được như giống RVT hay Lài Thơm canh tác hữu cơ, thì Viễn Phú khi đưa ra thị trường phải có giá 150.000 đồng/kg trở lên, trong khi giá này đâu có bao nhiêu nguồn khách hàng”, ông cho biết và nói rằng đây là rào cản lớn cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Giải pháp thúc đẩy cuộc chuyển hướng
Trong bối cảnh thị trường tiêu dùng của Việt Nam chưa đi đến mức cao cấp như các nước hay nói cách khác mức chi tiêu cho sản phẩm hữu cơ còn hạn chế, GS Xuân của Đại học Nam Cần Thơ khuyến cáo, chỉ nên sản xuất sản phẩm sạch (thấp hơn tiêu chuẩn hữu cơ).
“Trình độ người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chỉ mới đi tới sản phẩm sạch, truy suất được nguồn gốc thì họ mua vì sản phẩm đó không đắc như sản phẩm hữu cơ”, ông giải thích.
Theo ông Xuân, chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp sạch chẳng những phù hợp được “trình độ” hay nói cách khác phù hợp với mức chi tiêu hiện nay của người Việt Nam, mà còn phù hợp với đại đa số nhu cầu khách hàng tiêu dùng ở nước nhập khẩu, do đó, trước mắt đây là hướng đi phù hợp nhất.
GS Xuân cho biết, nền nông nghiệp Việt Nam đã một thời gian dài lạm dụng phân hóa học, nhất là phân đạm để gia tăng năng suất, tuy nhiên, việc lạm dụng này đã dẫn đến hệ lụy là đất bị bạc màu.
“Vì vậy, để tiếp tục gia tăng năng suất, nông dân có xu hướng bón nhiều phân hóa học hơn”, ông cho biết và nói rằng điều này dẫn đến phát sinh sâu bệnh, cho nên, việc lạm dụng thuốc hóa học để xử lý cũng tăng lên.
Chính việc lạm dụng phân thuốc hóa học như nêu trên, theo ông Xuân, sẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam ngày càng kém hơn. “Với cách làm này, cho nên, có rất nhiều bạn hàng Việt Nam ở nước ngoài “sợ” nông sản Việt Nam có nhiều hóa chất”, ông cho biết.
Do đó, theo ông, việc chuyển sang sản xuất nông sản sạch để có sản phẩm sạch là xu hướng tất yếu, đáp ứng được nhu cầu khách hàng nước nhập khẩu và phù hợp hơn với “trình độ” của người tiêu dùng trong nước.
“Hiện, sản xuất nông nghiệp sạch này cũng có nhiều công ty xuất khẩu hàng nông sản trong nước “xuống” khuyến khích nông dân làm theo”, ông cho biết và nói rằng doanh nghiệp “đem” quy trình sản xuất sạch đã được các nhà khoa học tạo ra để nông dân áp dụng.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Sơn của Ecofarm cho rằng, để mô hình sản xuất sạch phát triển, thì rất cần các khoản hỗ trợ về tín dụng.
Bởi, việc đầu tư vào các khoản tài sản cố định lâu dài, các khoản cải tạo đất có chi phí rất lớn, thậm chí việc đầu tư phải tính toán dài hạn, từ 10 năm trở lên mới có lãi.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, về mặt tín dụng, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận.
“Như Ecofarm, tiếp cận cũng phải có tài sản cố định thế chấp mới vay được vốn, dù Chính phủ đã có các gói hỗ trợ ưu đãi như: Nghị định 57 và trước đó nữa là Nghị định 210 hay các quyết định như 68…”, ông cho biết và gợi ý có thể “tháo gỡ nút thắt” bằng cách cho doanh nghiệp đi vay thế chấp bằng chính tài sản hình thành trong tương lai.
Trên thực tế, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện mô hình này rất tốt, mà cụ thể Quỹ đầu tư phát triển của địa phương sẵn sàng cho doanh nghiệp vay trên tài sản hình thình trong tương lai.
“Mình đầu tư nhập khẩu toàn bộ nhà lưới của Israel hơn 20 tỉ đồng là Quỹ đầu tư phát triển của Đồng Tháp sẵn sàng vô tiếp cận, cho vay liền”, ông Sơn dẫn chứng.
Ở góc độ của người làm nông nghiệp hữu cơ từ cách nay hơn 10 năm và sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau) cũng nêu quan điểm, cần có một nguồn tài chính rất lớn cho việc thay đổi hạ tầng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, ngoài chính sách về vốn, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích cụ thể liên quan đến đất đai, chuyển đổi hạ tầng, giống, vật tư đầu vào…
“Muốn nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, thì cần vẽ nên một bức tranh tổng thể và có kế hoạch cho từng giai đoạn, chẳng hạn, mục tiêu chuyển đổi trong vòng 5-10 năm như thế nào; vùng nào chuyển trước, vùng nào cần bước chậm hơn…”, ông Khải nhấn mạnh.
GS Xuân thì đưa ra khuyến cáo, những đơn vị lựa chọn “đi tắt, đón đầu”, tức bỏ qua giai đoạn sản xuất sản phẩm sạch để tiến thẳng đến sản xuất sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, tức sản phẩm chẳng những phải hoàn toàn không sử dụng phân thuốc hóa học, mà quy trình canh tác phải cách ly tuyệt đối với các phương thức sản xuất khác, thì nhất thiết phải có hợp đồng tiêu thụ.
“Trong giai đoạn hiện nay, chỉ nên sản xuất sản phẩm hữu khi đã có đầu ra chắc chắn”, ông nói.