|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phân bón hữu cơ chậm đón đầu thị trường

06:57 | 15/10/2018
Chia sẻ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng mở rộng nhưng thị trường vẫn chưa đủ hấp dẫn các nhà sản xuất phân bón trong nước

Mảng phân bón hữu cơ lâu nay không phải bị lãng quên mà chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp (DN). Ngoại trừ một số cơ sở đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến như Tập đoàn Quế Lâm, Sông Gianh, Dabaco, Thiên Sinh, Thiên Hòa... phần lớn DN sản xuất phân hữu cơ vẫn sử dụng dây chuyền thiết bị đơn giản, sản lượng thấp.

Chi phí chứng nhận cao

Số sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất trong nước được chứng nhận quốc tế hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Việt Nam (TP HCM) là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ, vi sinh nhưng chỉ có một dòng sản phẩm nhập khẩu đã có chứng nhận để cung cấp cho các trang trại hữu cơ. Ông Nguyễn Thanh Tâm, phó giám đốc công ty, cho biết nguyên nhân là do chi phí làm chứng nhận hữu cơ quốc tế quá cao. Để làm chứng nhận hữu cơ cho một sản phẩm, công ty phải bỏ ra 5.000 - 7.000 USD nhưng chỉ có giá trị 1 năm. Trong khi đó, thị trường còn hẹp, sản lượng bán ra không bù được chi phí. "Việt Nam có thể sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao. Bằng chứng là nhiều mặt hàng của Việt Nam giá còn cao hơn hàng nhập khẩu có chứng nhận và được các trang trại sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP) chấp nhận" - ông Tâm cho biết.

phan bon huu co cham don dau thi truong
Các trang trại sản xuất rau hữu cơ có chứng nhận chỉ sử dụng phân bón được chứng nhận hoặc tự ủ Ảnh: NGỌC ÁNH

Do thị trường còn quá hẹp nên một số công ty phân bón lớn mặc dù đã có định hướng mở thêm mảng sản phẩm hữu cơ nhưng vẫn còn trù trừ, thận trọng. Công ty CP Phân bón Bình Điền đã có chủ trương phát triển song song dòng phân bón hữu cơ và vô cơ từ 2 năm trước nhưng đến nay chỉ mới 2 công ty thành viên là Bình Điền Mê Kông và Bình Điền Lâm Đồng sản xuất phân bón hữu cơ sinh học với sản lượng khá hạn chế. Sản phẩm phân bón hữu cơ của 2 công ty này khác nhau: chuyên dùng cho sản xuất lúa hoặc cho cây cà phê và tiêu. "Sắp tới, công ty mẹ sẽ phát triển sản xuất phân bón hữu cơ sinh học và vi sinh. Chúng tôi đang làm việc với một số nhà cung cấp nguyên liệu cả trong và ngoài nước, chuẩn bị nguồn đầu vào cho kế hoạch sản xuất này" - ông Tâm nói thêm.

Một công ty phân bón khác đặt mục tiêu đầu tư lớn để cung ứng phân bón hữu cơ nano ra thị trường vào năm 2019, mới đây cũng thừa nhận đã tạm hoãn kế hoạch này. Nguyên nhân là dung lượng thị trường còn quá nhỏ, DN chưa thể mạo hiểm bỏ vốn đầu tư. Theo chủ tịch HĐQT công ty này, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước thời gian qua có tăng nhưng không đáng kể, nhà sản xuất chủ yếu dùng phân hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản (làm từ nguồn phân gà) hoặc tự ủ theo hướng dẫn của các tổ chức chứng nhận hữu cơ quốc tế.

Chờ lực đẩy từ chính sách

Bên cạnh lý do chính về thị trường, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng, cụ thể cũng là rào cản lớn khiến DN chưa mạnh dạn đầu tư. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước chỉ bằng 1/19 lần so với vô cơ (số liệu đến tháng 12-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Trên cả nước mới có 180 DN được cấp phép sản xuất phân bón hữu cơ với tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm, bằng 8,5% tổng công suất ngành phân bón trong nước và gần bằng 1/10 tổng công suất phân bón vô cơ. Với nhu cầu sử dụng phân bón trong nước ước tính khoảng 11 triệu tấn/năm, lượng phân bón hữu cơ nhập khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây, tiềm năng cho các DN trong nước khai thác thị trường phân bón hữu cơ còn rất lớn. Chính phủ rất quan tâm khuyến khích sản xuất hữu cơ. Bộ NN-PTNT ra chỉ tiêu các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ phải dành 30% làm sản phẩm hữu cơ nhưng theo các DN, ngoại trừ Nghị định 108/NĐ-CP năm 2017, vẫn chưa có chính sách cụ thể nào về tín dụng, đất đai, thuế… khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Không những vậy, Bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón hữu cơ cũng chưa đầy đủ nên còn gặp nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng và đăng ký lưu hành.

Được biết, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Mục tiêu phấn đấu tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm; tăng tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10% trong thời gian tới.

Thiếu chứng nhận nên thiệt thòi Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Việt Nam, cho hay đến thời điểm hiện tại, việc cấp chứng nhận hữu cơ vẫn do các tổ chức nước ngoài thực hiện, chi phí cao. Do đó, các DN sản xuất phân bón hữu cơ trong nước rất cần các tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ có uy tín với chi phí hợp lý cung cấp "giấy thông hành" cho DN gia nhập thị trường và góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

THANH NHÂN - NGỌC ÁNH