|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nóng, lạnh Móng Cái

09:39 | 14/08/2017
Chia sẻ
Móng Cái (Quảng Ninh) - thành phố sôi động một thời, nơi có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất nước - giờ đây trở nên vắng lặng đến tiêu điều. Cho dù đã biết, mấy năm gần đây, chính sách biên mậu thay đổi là nguyên nhân khiến vùng đất địa đầu này “xuống sức”, nhưng vẫn không khỏi bất ngờ.
nong lanh mong cai Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Khoản vay Trung Quốc kém ưu đãi!
nong lanh mong cai Quảng Ninh được tự quyết phương án làm cao tốc 14.000 tỷ đồng
nong lanh mong cai
Những chiếc thuyền sắt chở hàng nằm phơi bụng dưới chân cửa khẩu Ka Long đìu hiu. Ảnh: NGUYÊN LÊ

Trong suốt quãng đường chừng 100 ki lô mét từ cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn đến thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), tài xế taxi Thương Nguyễn luôn miệng chào mời khách phương xa đến Vân Đồn làm ăn. Theo anh, “Vân Đồn thì số 1 là đầu tư vào resort, khách sạn”. Bản thân anh vừa tậu chiếc xe bốn chỗ này từ tiền đền bù cho miếng đất đã trở thành một phần của sân bay Vân Đồn đang được gấp rút thi công, đón đầu Vân Đồn trở thành “đặc khu kinh tế”.

Câu chuyện chùng xuống khi xe vừa đến đầu Móng Cái, anh nói “Móng Cái giờ là thành phố... chết”.

Tiêu điều Móng Cái

Móng Cái hiện ra ngoài sự hình dung. Đường phố, nhà cửa thênh thang nhưng uể oải, thưa thớt người, xe, nhiều công trình xây dựng lớn dang dở, hoang phế... Chẳng phải mình lặn lội đến nơi địa đầu xa xôi này để xem cảnh hàng hóa xuất nhập khẩu tấp nập trên bến dưới thuyền, nườm nượp cư dân qua lại mang xách hai bên cửa khẩu hay sao? Mới mấy tháng trước, Móng Cái nóng ran các mặt báo với lượng khách du lịch Trung Quốc hàng chục ngàn người mỗi ngày kia mà! Vậy mà...

Trong buổi chiều nắng gắt, cửa khẩu Ka Long bên dòng sông Ka Long như bất động, với một dãy thuyền sắt gỉ sét nằm phơi bụng, bãi xe rộng trống trơn, tòa nhà văn phòng im ỉm. Đi dọc con đường “thương mại” Hữu Nghị từ cửa khẩu Ka Long tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hàng loạt trụ sở công ty xuất nhập khẩu, logistics, du lịch, và cả khách sạn đóng cửa, xuống cấp, bảng hiệu bong tróc.

Hỏi anh lái xe ôm, chị hàng nước, em nhân viên khách sạn... ai cũng lắc đầu, tặc lưỡi ra chiều ngán ngẩm. Dân tứ xứ đã về nơi tứ xứ gần hết vì không mấy ai thuê làm việc gì; cũng chẳng mấy khách đến đây để “đánh hàng” hay đi du lịch mua sắm vì hàng hóa qua lại khó khăn, bị kiểm tra, đánh thuế; chỉ còn cư dân biên giới chính hiệu cầm cự tại chỗ.

Sáng hôm sau, trong khi chờ lấy giấy thông hành xuất nhập cảnh, chúng tôi đi bộ một vòng trung tâm thương mại Vinh Cơ, gồm hai tòa nhà cao tầng, kéo dài gần hai trăm mét trên mặt tiền đại lộ Hòa Bình ngay trước cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Gần như chỉ có các kiốt bên ngoài mặt tiền đường mở cửa và với mật độ chừng hai cái mở, một cái đóng. Chị Đỗ Thị Thanh Hà, chủ một gian hàng, cho biết trung tâm này do nhà đầu tư người Trung Quốc sang thuê đất rồi xây để kinh doanh mặt bằng. Tiểu thương phần lớn là người Trung Quốc, họ sang Việt Nam để bán hàng được đưa từ Trung Quốc. Kiốt bảy mét vuông này chị thuê 3-4 năm nay có giá 60 triệu đồng/năm. Buôn bán ngày càng ế ấm, tiểu thương Trung Quốc thường dọn hàng từ giữa giờ chiều để... về nước, chỉ người Việt như chị mới ráng bán tới chập chiều muộn nhưng cũng vắng bóng người mua.

Siết hàng cư dân biên giới

Chi phí cho dịch vụ làm giấy thông hành qua bên kia biên giới (thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây) là 250.000 đồng/người, đã rẻ hơn trước hơn 50.000 đồng. Đó là cuốn sổ nhỏ giống như hộ chiếu, thời hạn sử dụng một năm, có sự phân biệt giữa cư dân biên giới và người từ nơi khác. Lúc này có một đoàn khách du lịch Việt Nam chừng vài chục người sang nên phải xếp hàng hơi lâu. Nhưng không phải ai cũng đi du lịch, anh Thái Văn Úy, sinh năm 1972, cho biết mình qua để làm bốc vác, tiền công bên đó cao gấp rưỡi so với bên mình. Hôm nay, anh dắt theo một người quen - người suốt nãy giờ cứ than vãn sao anh không chịu đi “chui” qua sông cho nhanh. Anh phân trần “đi chui mà bị bắt thì giờ ngồi tù phải hơn tháng, tui bị ăn cơm tù bảy ngày rồi nên biết sợ...”. Nghe giọng miền Nam, một người dân địa phương quay sang dặn: “Qua đó ăn uống thôi, đừng mua hàng gì về, từ hôm qua giờ hải quan Trung Quốc giữ lại hết đó”.

Buổi chiều, trong dòng người xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh trở lại, là những tiếng to nhỏ thầm thì của những nhóm người Việt. Họ có vẻ lo lắng, nôn nao, trong khi những cán bộ hải quan phía Trung Quốc, bệ vệ nai nịt, thái độ vừa lạnh lùng vừa quả quyết. Những túi hàng xách tay kích thước nhỏ chỉ cỡ bằng cái nồi cơm điện được yêu cầu kiểm tra và chỉ định tập kết hàng ngay trên sàn nhà tại cổng kiểm tra. Chủ hàng lặng lẽ bước qua mà không bị hỏi hay được giải thích gì. Theo hỏi một người phụ nữ trung niên vừa bị giữ hàng, cho dù với một thái độ hơi thiếu tự tin, nhưng chị vẫn nói “8 giờ tối quay lại lấy hàng về”, bởi theo chị “họ làm như vậy để mình nản không sang mang hàng nữa”. Thì ra hai bên biết mặt nhau hết!

Chỉ lạ là đáng ra dân Trung Quốc bán được hàng thì hải quan nước họ sẽ mừng mà cho qua (trừ khi đó là hàng cấm). Đối phó với việc cư dân biên giới Móng Cái lợi dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa mua bán, trao đổi vì mục đích sản xuất, tiêu dùng để làm “cửu vạn” - vác hàng thuê cho các chủ hàng trốn thuế - xưa nay là chuyện của phía Việt Nam, nếu vượt quy định thì phía Việt Nam sẽ đánh thuế. Mà thật ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã siết chính sách này từ năm 2015, hạn mức 2 triệu đồng/ngày/người/lượt đã bị thêm điều kiện không được quá 4 lượt/tháng.

Cấm biên

Bến Lục Lầm cách trung tâm Móng Cái chừng 10 ki lô mét. Tài xế taxi rất đỗi ngạc nhiên, nhìn khách từ đầu đến chân, khi được đề nghị đưa đến “thương cảng” này. Đây là nơi làm thủ tục xuất khẩu đối với hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập tái xuất từng chiếm đến hơn nửa kim ngạch xuất khẩu của Móng Cái. Hàng từ container được dỡ xuống thuyền đi trên sông Lục Lầm ra cửa sông biên giới Bắc Luân xuất sang Trung Quốc. Từ con đường độc đạo bên ngoài vào, chúng tôi đi qua bãi xe Tây Bắc - bãi chứa hàng thực phẩm đông lạnh rộng mênh mông, vắng tanh, chỉ 1-2 thùng container trống không nằm chỏng chơ. Qua điểm thu thuế và phí cửa đóng then cài, rồi qua trạm kiểm soát biên phòng Lục Lầm - nơi có một anh lính biên phòng chạy xe máy đuổi theo khách lạ. “Ở đây, nhưng không còn xuất, nhập hàng gì nữa”, anh lính trả lời và trách tài xế taxi sao không biết đường chở khách đến cảng cạn ở Km 3+4 Móng Cái - nơi còn có thể xuất hàng.

Chính sách biên mậu của Trung Quốc và cả Việt Nam đã thay đổi. Phía ta giới hạn số cửa khẩu và mặt hàng thuộc loại tạm nhập tái xuất để chống nguy cơ thẩm lậu, cũng như muốn chuyển hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch để dễ quản lý. Còn Trung Quốc thì “cấm biên” hay mở biên “nhỏ giọt” đã nhiều đợt, được cho là cũng để tăng cường quản lý. Cao điểm như hồi cuối năm 2014, có lúc chi phí lưu kho bãi các container hàng đông lạnh tại bến này còn cao hơn giá trị hàng khiến chủ hàng bên Trung Quốc “bỏ của chạy lấy người”, nên doanh nghiệp làm dịch vụ logistics Việt Nam lãnh đủ.

Mà giờ, nếu không vì những lý do này, Móng Cái cũng mất giá trong mắt giới làm ăn vì chủ hàng Trung Quốc thay đổi cửa khẩu xuất hàng xoành xoạch, có xu hướng chuyển sang ngã biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng... “Nền kinh tế” Móng Cái vốn lệ thuộc nhiều vào biên mậu, tỏ ra yếu sức đề kháng.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Móng Cái trong sáu tháng đầu năm nay lý giải bức tranh ảm đạm này. Ấy là do “chính sách biên mậu phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi, cơ chế chính sách biên mậu chậm được tháo gỡ đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế của thành phố”. Theo đó, “giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu giảm do hàng hóa tạm nhập tái xuất giảm mạnh về trị giá và lượng...; thị trường bất động sản chậm phục hồi...”.

Còn theo báo cáo kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm nay của Quảng Ninh, hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh chỉ tăng 6,72%, trong khi mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước tới 18,9%, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 42,5% (so với cùng kỳ). Chiều nhập khẩu cũng cho thấy cái thời sầm uất của cửa khẩu này đã qua, bởi tăng trưởng nhập khẩu của cả tỉnh chỉ 2,86% trong khi tăng trưởng nhập khẩu cả nước là 24,1%, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tăng 16,8%.

Giấc mơ nối Vân Đồn

Chúng tôi tạm biệt Móng Cái từ cầu Bắc Luân 2 rộng lớn và đường dẫn từ phía Móng Cái cũng rộng lớn gần như đã hoàn thành. Đứng ở đầu cầu bên này có thể thấy bên kia sông (địa phận Trung Quốc) bức tường cao mấy mét, kéo dài dọc bờ sông. Một người dân từng “làm hàng” ở đây cho biết không thể có hàng hóa nào “chui” qua được bức tường lừng lững đó. Giờ chỉ còn cách đi từ hướng biển, nhưng rất khó. Điều này, dường như xác tín phần nào khi chiếc xe khách chở chúng tôi từ Móng Cái trở về Hạ Long lăn bánh vào Trạm kiểm soát liên hiệp Km 15 - Bến tàu Dân Tiến - nơi được mệnh danh là “chốt chặn chống buôn lậu”. Thủ tục kiểm tra hàng hóa bắt buộc được những khách quen trên xe cho là đã diễn ra “nhẹ nhàng” hơn trước rất nhiều.

Móng Cái gắn liền với kinh tế cửa khẩu kể từ khi hai nước Việt-Trung bình thường hóa quan hệ vào đầu thập niên 1990. Thời gian qua, Móng Cái nhiều lần kiến nghị gỡ khó cho xuất khẩu hàng hóa theo loại hình tạm nhập, tái xuất trong khi trung ương muốn siết lại. Cầu nối giao thương này dường như đang “mắc kẹt” trong những thay đổi chính sách của chính phía ta chứ chưa nói gì đến phía Trung Quốc. Làm sao để Móng Cái vừa tận dụng được lợi thế mặt bằng giao thương quốc tế, lại vừa không chịu cảnh “bên rìa” của nền kinh tế nội địa?

Sắp tới, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với vốn đầu tư tới 16.000 tỉ đồng sẽ kết nối với cầu Bắc Luân 2 thẳng qua bên kia biên giới. Liệu Vân Đồn có giúp cửa khẩu quốc tế Móng Cái tấp nập hơn? Những nóng, lạnh ở cửa khẩu này sẽ tác động như thế nào đến kỳ vọng cất cánh của Vân Đồn? Như trong lĩnh vực du lịch, khách Trung Quốc nào sẽ đến Vân Đồn - khu hành chính, kinh tế đặc biệt với định hướng phát triển du lịch cao cấp rõ nét, khi mà, ta siết quản lý các tour du lịch 0 đồng thì cũng là lúc cửa khẩu Móng Cái không còn cảnh quá tải người Trung Quốc sang?

nong lanh mong cai 3 đặc khu sẽ tạo ra hàng chục tỉ USD?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã nhất trí cần tạo lập khung thể chế vượt trội để phát triển ba đơn vị hành ...

nong lanh mong cai Cho cầm cố, thế chấp dự án trên đất đặc khu ở ngân hàng ngoại

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có Tờ trình về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi ...

nong lanh mong cai Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: ‘Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ không vượt Hiến pháp’

Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý mới để thành lập nên 3 khu hành chính ...

Nguyên Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.