|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Khoản vay Trung Quốc kém ưu đãi!

17:59 | 18/05/2017
Chia sẻ
Cử tri đề xuất cân nhắc việc vay vốn ODA của Trung Quốc làm đường cao đốc Vân Đồn – Móng Cái để tránh việc phải chấp nhận nhà thầu nước này thi công... Bộ KH-ĐT khẳng định, chưa có đề xuất này. Khoản vốn 300 triệu USD của Trung Quốc là khoản vay kém ưu đãi nên cần nghiên cứu để lựa chọn dự án phù hợp.

Trong bản tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri do Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội thực hiện, vấn đề nhà thầu Trung Quốc “nóng” với hàng loạt dự án chậm tiến độ, đột vốn, phát sinh nhiều vấn đề được chỉ mặt gọi tên như dự án sân vận động Mỹ Đình, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông…

Làm sao loại bỏ nhà thầu Trung Quốc yếu kém?

Cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Trị yêu cầu kiểm tra việc các nhà thầu Trung Quốc liên tục được nhận các công trình quan trọng của Việt Nam mặc dù chất lượng không đảm bảo; đề nghị rà soát và đánh giá chất lượng, hiệu qủa những dự án do Trung Quốc trúng thầu ở trong nước, kể cả nguồn vốn vay từ Trung Quốc để tránh bị phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Công văn trả lời mới đây của Bộ KH-ĐT xác nhận, trong thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án quan trọng của Việt Nam, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ; chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành...

Cơ quan quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài nêu những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu, trong đó có việc các dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Theo đó, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.

cao toc van don mong cai khoan vay trung quoc kem uu dai

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tai tiếng vì chậm tiến độ, đội vốn, nhà thầu Trung Quốc năng lực yếu kém...

Bộ KH-ĐT cũng cho rằng, nhà thầu Trung Quốc “lọt cửa” nhiều do chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện. Trong khi đó, việc phê duyệt tổng mức đầu tư thấp dẫn đến các nhà thầu chào công nghệ tiên tiến, xuất xứ từ các quốc gia phát triển đều không trúng thầu do vượt tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, do chất lượng công tác lập hồ sơ mời thầu của các chủ đầu tư còn yếu, chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại nhà thầu Trung Quốc yếu kém.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH-ĐT nhận định, trước tiên cần tự chủ được nguồn lực tài chính, thu hút vốn đầu tư tư nhân, nước ngoài; tăng cường các dự án PPP; nâng cao chất lượng lập, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Vay Trung Quốc kém ưu đãi hơn vay ODA

Cũng về vấn đề này, cử tri tỉnh An Giang bày tỏ lo ngại, các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án trọng điểm tại Việt Nam nhưng triển khai chậm, thi công kém chất lượng gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân (như dự án sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông...). Cử tri đề nghị nhà nước có biện pháp chặt chẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng trên; nghiên cứu, cân nhắc việc vay vốn ODA của Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; đề nghị nghiên cứu xem xét khi đấu thầu, chọn thầu, không vì giá rẻ mà chọn nhà thầu như Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ KH-ĐT giải thích, luật Đấu thầu không quy định chọn thầu theo giá rẻ mà chỉ quy định những nhà thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, xác định giá đánh giá. Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá đánh giá thấp nhất mới được xem xét, đề nghị trúng thầu. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực, kinh nghiệm nên trong hồ sơ mời thầu, các chủ đầu tư Việt Nam chưa đưa ra được rào cản kỹ thuật để loại bỏ những hàng hóa có chất lượng thấp; chưa đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp nhằm lựa chọn được các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt.

Về kiến nghị nghiên cứu, cân nhắc việc vay vốn ODA của Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Bộ KH-ĐT cho biết, hiện cơ quan này chưa nhận được đề xuất việc vay vốn ODA Trung Quốc cho dự án này.

Cụ thể, tháng 3/2016, Bộ Giao thông Vận tải có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Tháng 7/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước mắt chưa sử dụng khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu USD nêu trên cho dự án và kiến nghị tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để có được điều kiện vay ưu đãi hơn. Tại công văn số 10837/VPCP-KTN ngày 14/12/2016, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Và hiện UBND tỉnh này chưa đề xuất vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Chung kiến nghị về dự án này, cử tri Quảng Bình phân tích, Việt Nam đang cần vốn, nếu vay được thì rất tốt nhưng phải không kèm theo điều kiện. Việt Nam đã có nhiều bài học đắt giá với Trung Quốc, nếu cho vay thì cứ trả lãi, phải hết sức thận trọng, nếu phải kèm điều kiện thì cần kiên quyết loại bỏ chỉ định thầu Trung Quốc.

Cung cấp thêm thông tin sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 14/12/2016, Bộ KH-ĐT cho biết, tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức Đối tác Công Tư (PPP). Đến nay, đã có một số nhà đầu tư trong nước bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư dự án này.

“Khoản tín dụng bên mua (300 triệu USD) của China Eximbank (Trung Quốc) là khoản vay kém ưu đãi hơn so với nguồn vốn vay ODA. Do đó, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các bộ, ngành để nghiên cứu lựa chọn dự án phù hợp, có khả năng thu hồi vốn cao, đảm bảo khả năng trả nợ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”- văn bản trả lời cử tri nêu rõ.

Phía Bộ KH-ĐT cũng nhận định, trong điều kiện nợ công của Việt Nam đang rất cao, việc vay vốn từ Trung Quốc hay từ các chính phủ và tổ chức tài chính khác để đầu tư cần thận trọng đối với điều kiện vay. Chỉ vay cho các dự án thực sự cần thiết và hiệu quả, cần phải đàm phán với Nhà tài trợ về điều kiện vay để dự án vay phải đấu thầu quốc tế nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực và công nghệ hiện đại, hạn chế tối đa việc chỉ định tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) và không vay để thực hiện dự án bằng mọi giá.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

P.Thảo

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.