|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗi sợ lãi suất cao, nguy cơ chính phủ đóng cửa khiến Dow Jones mất 370 điểm

06:41 | 22/09/2023
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 21/9 khi lợi suất trái phiếu tiếp tục ghi nhận mức đỉnh mới và chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ đóng cửa vào tháng 10.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 21/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 370 điểm, tương đương 1,08% và đóng cửa với 34.070 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,64%, chốt phiên ở mức 4.330 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,82% xuống còn 13.224 điểm.

 

Hiện cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đang ghi nhận ngày giảm điểm thứ ba liên tiếp. S&P 500 cũng đã chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đang đứng trước nguy cơ giảm lần lượt 1% và 2% trong tuần này, còn Nasdaq Composite có thể mất tới hơn 3%.

Nasdaq Composite đang ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6/2023.

Chung diễn biến với thị trường, cổ phiếu VinFast (VFS) đã giảm 8,38% xuống còn 15,75 USD/cp. Khối lượng giao dịch có sự khởi sắc, đạt gần 3,3 triệu đơn vị nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình là 6,8 triệu đơn vị. Mức sụt giảm trong phiên hôm qua đã kéo vốn hóa VinFast xuống còn 36,5 tỷ USD, trở thành hãng sản xuất ô tô lớn thứ 15 trên thế giới.

Lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4,494%. Trong ngày, lợi suất đã chạm tới mức cao nhất kể từ năm 2007, với chất xúc tác là dữ liệu thất nghiệp hàng tuần cho thấy thị trường lao động vẫn đang mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số yêu cầu xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 16/9 đã giảm 20.000 đơn, xuống còn 201.000 đơn, thấp hơn nhiều con số 225.000 đơn được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo. Đây cũng là số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 1/2023.

Ngoài ra, số yêu cầu xin tiếp tục hỗ trợ đạt 1,662 triệu, giảm 21.000 và thấp hơn ước tính của FactSet là 1,692 triệu. Lợi suất Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm cũng đã vọt lên 5,202% - mức cao nhất kể từ năm 2006. 

 

Ông Adam Turnquist, chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại LPL Financial, nhận định: “Đây là một dấu hiệu cảnh báo cho thị trường”. Ông nói thêm rằng lợi suất “chắc chắn đang ảnh hưởng tới khẩu vị rủi ro vào thời điểm này”.

Ngoài ra, thị trường cũng bị tác động sau thông tin các lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã yêu cầu Hạ viện tạm nghỉ hôm 21/9, làm dấy lên lo ngại rằng các nhà lập pháp liên bang sẽ không thông qua dự luật nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ đóng cửa. Thị trường đang lo lắng rằng việc chính phủ Mỹ dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV. 

Trước đó một ngày, Cục Dự trữ Liên (Fed) bang tuyên bố sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9, nhưng cảnh báo sẽ còn một đợt tăng lãi suất khác trước khi năm 2023 kết thúc. Ngân hàng trung ương này cũng tiết lộ sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng nền kinh tế vẫn có thể hạ cánh mềm, nhưng đây không phải là kịch bản khả dĩ nhất đối với ông. 

Nhà phân tích đầu tư tại Motley Fool Wealth Management, ông Shelby McFaddin cho hay: “Tôi nghĩ chúng ta đang thấy một chút xung đột giữa kỳ vọng và hiện thực. Khi bạn là một nhà đầu tư, [tuyên bố của Fed] có vẻ không lý tưởng vì nó cho thấy môi trường lãi suất cao sẽ duy trì lâu hơn”. 

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi xuống trong phiên giao dịch hôm qua. 

Cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu đà giảm trong tuần này khi các nhà đầu tư cân nhắc lại về các cổ phiếu tăng trưởng nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. Tesla, Alphabet (Google) và Nvidia đều mất hơn 2% chỉ trong phiên giao dịch hôm qua. 

FedEx đã vượt qua xu hướng tiêu cực của thị trường, tăng 4,5% sau khi công bố thu nhập đã điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4,55 USD trong quý tài chính đầu tiên. Trong khi đó, các nhà phân tích từng dự đoán EPS chỉ đạt 3,73 USD. 

Minh Quang