|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

BoE lần đầu giữ nguyên lãi suất sau 14 đợt tăng liên tiếp

20:10 | 21/09/2023
Chia sẻ
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 21/9 quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25% sau cuộc bỏ phiếu sít sao tại cuộc họp của 9 thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC).

Sau khi lạm phát trong tháng 8/2023 thấp hơn dự kiến, 5 thành viên MPC ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất, trong đó có Thống đốc BoE Andrew Bailey, người bỏ phiếu cuối cùng mang tính quyết định.

Đây là đợt ngừng tăng lãi suất đầu tiên của BoE sau 14 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 12/2021, theo đó lãi suất đã tăng từ 0,1% lên 5,25% hiện nay.

Mặc dù đưa ra ít bình luận về các động thái tương lai, MPC cho rằng lãi suất hiện đã đủ cao để đảm bảo khôi phục sự ổn định giá cả, nhấn mạnh “Chính sách tiền tệ sẽ cần hạn chế đủ trong thời gian đủ dài để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững trong trung hạn”. Tuy nhiên, Ủy ban này cũng khẳng định sẽ cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu có bằng chứng về áp lực lạm phát dai dẳng.

Đồng bảng Anh tiếp tục giảm 0,66% so với đồng USD sau quyết định của BoE trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm giảm xuống mức 4,878% so với mức 4,893% trước cuộc bỏ phiếu.

Lạm phát tháng 8/2023 đứng ở mức 6,7% trong khi không có khả năng BoE sẽ giảm lãi suất trong tương lai gần.

Trong một tuyên bố, Thống đốc Bailey cho biết lạm phát đã giảm rất nhiều trong những tháng gần đây và có khả năng xu hướng này sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần đảm bảo chắc chắn lạm phát sẽ trở lại mức bình thường và BoE cần tiếp tục đưa ra những quyết định cần thiết để đạt được điều này.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt khẳng định BoE nhận được "sự ủng hộ hoàn toàn" trong hành động để giảm lạm phát.

Các thành viên MPC ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất nhấn mạnh tầm quan trọng của số liệu lạm phát công bố ngày 20/9 cùng với số liệu thị trường lao động yếu hơn cho thấy các đợt tăng lãi suất trước đó đang hạ nhiệt nền kinh tế.

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).