|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗi lo thâm hụt ngân sách khi ngành du lịch Đông Nam Á lao đao

07:11 | 28/03/2020
Chia sẻ
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang làm lộ ra sự mong manh của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, đặc biệt là của khu vực Đông Nam Á.

Theo bài viết đăng trên Nikkei, nhu cầu đi lại giảm mạnh trong đợt bùng phát dịch COVID-19 đang khiến các nền kinh tế Đông Nam Á lao đao. 

Du lịch xuyên biên giới đã chậm lại sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Theo ước tính của Nikkei, tám trong số 10 thành viên của ASEAN sẽ bị thâm hụt ngân sách nếu số lượng khách du lịch nước ngoài giảm một nửa so với năm ngoái.

Khu vực ASEAN đang phải vật lộn với những đồng tiền yếu và việc ít khách du lịch có thể làm trầm trọng hơn vấn đề nợ nước ngoài, cho thấy những nguy cơ của việc quá phụ thuộc vào du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một tài xế taxi đợi khách gần khu vực Hoàng Cung của Thái Lan cho biết: “Khách du lịch Trung Quốc ít hơn từ 60-70% so với các năm khác”. 

Khu vực Hoàng Cung của Thái Lan là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở thủ đô Bangkok. Những lối đi quanh cung điện nơi thường xuyên đông khách vào thời điểm mở cửa đã vắng tanh. Các cửa hàng đồ lưu niệm và nhà hàng quanh đó đã phải đóng cửa.

Doanh thu du lịch của Thái Lan đã giảm 4% trong tháng 1/2020 so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà điều hành khách sạn cho biết tỷ lệ lấp đầy phòng chỉ ở mức khoảng 50% trong tháng 2/2020 và dự kiến các khoản lỗ đáng kể sẽ xảy ra ở quý I năm nay.

Các nền kinh tế Đông Nam Á đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch trong và ngoài nước, những người đã đóng góp tới 13% trung bình tổng doanh thu GDP vào năm 2018, cao thứ hai chỉ sau vùng Caribe, theo thống kê của Hội đồng Du lịch Thế giới. 

Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018, hơn 50 tỷ USD so với sản xuất ô tô và 160 tỷ USD từ than đá.

Cũng theo Nikkei, ước tính 10 thành viên ASEAN phải đối mặt với thâm hụt tổng ngân sách tới 40 tỷ USD nếu lượng khách du lịch giảm 50% vào năm 2020 so với năm 2018 và có thể vọt lên tới 150 tỷ USD nếu con số khách giảm xuống còn 0.

Thâm hụt ngân sách buộc các nước phải dựa vào vốn vay nước ngoài. Nhưng nếu một số đồng nội tệ quá yếu, nó sẽ phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu cơ.

Nợ nước ngoài của Malaysia chiếm hơn 60% GDP, gấp đôi dự trữ ngoại hối; tỷ lệ của Indonesia còn gấp ba lần dự trữ ngoại hối; còn tỷ lệ của Thái Lan thì khoảng 80% dự trữ ngoại hối, tăng 20% trong 10 năm qua.

Bị tác động bởi biến động thị trường toàn cầu, đồng nội tệ của ba nước kể trên đã mất giá khoảng 5% so với đồng USD kể từ cuối năm ngoái. Hơn nữa, ba nước còn chịu ảnh hưởng bởi việc bán tháo trên thị trường chứng khoán và trái phiếu. Cả ba nền kinh tế lớn của Đông Nam Á này hiện đang đối mặt với việc mất vốn.

Theo trung tâm nghiên cứu của ngân hàng Kasikorn Thái Lan, ước tính thiệt hại về kinh tế của Thái Lan sẽ lên tới 12,58 tỷ USD nếu dịch COVID-19 còn kéo dài tới tháng Chín năm nay.

Hiện tại, các nước đang phải nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ của kinh tế. Thái Lan đã giới thiệu các gói vay lãi suất thấp và hoãn trả thuế thu nhập cho ngành du lịch. 

Singapore đã chi hơn 500 triệu USD trong ngân sách dự thảo cho năm tài khóa này để chống dịch. Nước này cũng sẽ tài trợ tài chính cho du lịch, bán lẻ và một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.

Khách du lịch nước ngoài là một nguồn thu ngoại tệ lớn và thúc đẩy các nền kinh tế. Điển hình như Campuchia chiếm 18% GDP và Thái Lan là gần 20%, mức trung bình của các thành viên ASEAN khác là 5%, vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước hàng đầu châu Á như Nhật và Hàn Quốc. 

Sự bùng nổ của dịch bệnh có thể sẽ khiến một số nước Đông Nam Á phải sửa đổi chiến lược tăng trưởng của họ để giảm bớt sự phụ thuộc vào du lịch, ngành vốn được đẩy mạnh trong nhiều năm vừa qua.

Hữu Kiên