|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi khổ của hãng hàng không trong việc bảo quản phi cơ khổng lồ thời COVID-19

18:22 | 19/05/2020
Chia sẻ
Bảo quản những phi cơ giá hàng trăm triệu USD như Boeing 777-300 là công việc cực kỳ phức tạp và tốn kém đối với các hãng hàng không.

Craig Barton, Giám đốc vận hành kỹ thuật của American Airlines, đang đảm nhận một trong những công việc phức tạp nhất thế giới. Trong 2 tháng qua, ông phải dành nhiều công sức để tìm chỗ đậu hàng trăm máy bay của hãng, theo CNET.

Những máy bay thương mại cỡ lớn như Boeing 777-300 giá 375 triệu USD là đối tượng mà Barton phải chăm sóc

"Nhiệm vụ của tôi không đơn giản như việc bạn đỗ xe vào garage và để yên hàng tháng liền. Chẳng chỗ nào trên thế giới đủ lớn để chúng tôi đậu hàng trăm máy bay cùng lúc", ông bình luận.

Bởi dịch viêm phổi cấp COVID-19 lan rộng, nhu cầu giao thông hàng không giảm mạnh, các hãng bay phải cắt giảm phần lớn số chuyến. Hãng Cirium ước tính khoảng 17.000 phi cơ - tương đương 2/3 tổng đội bay của các hãng hàng không thương mại toàn cầu - đang không có việc để làm.

Nỗi khổ của hãng hàng không trong việc bảo quản phi cơ khổng lồ thời COVID-19 - Ảnh 1.

Một phi cơ Boeing 777-300 của hãng hàng không American Airlines. Ảnh: The Design Air

950 phi cơ của American Airlines là đối tượng mà Barton phải chăm sóc. "Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là tìm một nơi để đậu máy bay cho qua đại dịch. Chúng tôi phải bảo trì chúng liên tục để chúng có thể bay lập tức khi cần. Mỗi ngày chúng tôi phải kiểm tra từng phi cơ", ông cho biết.

Máy bay của American Airlines - hãng hàng không lớn nhất thế giới - đậu ở nhiều sân bay khắp nước Mỹ như Tulsa, Oklahoma, Pittsburgh, Alabama, Bắc Carolina.

Nhân viên kĩ thuật phải kiểm tra máy bay mỗi ngày để đảm bảo chúng có thể cất cánh an toàn bất cứ lúc nào. Khi một máy bay đến sân đậu, kĩ thuật viên sẽ kiểm tra bên trong, xả nước và bịt kín động cơ cùng ống pitot để ngăn động vật hoang dã chui vào.

Sau đó, thợ máy kiểm tra động cơ và thử nghiệm các chức năng mỗi 10 ngày/lần. Họ phải khởi động lại động cơ, xoay lốp bánh máy bay, thử các bộ phận phụ trợ, kiểm tra thủy lực, và kiểm tra pin.  Các kỹ thuật viên phải đảm bảo pin máy bay Boeing 787 không cạn kiệt vì một lỗi nhỏ cũng dẫn tới chi phí khổng lồ cho việc sửa chữa.

Cứ sau 30 ngày, thủ tục kiểm tra máy bay sẽ trở nên kĩ lưỡng hơn. Nếu máy bay "bất động" hơn một năm, các hãng hàng không thường muốn đưa chúng tới sa mạc. Thời tiết khô nóng sẽ hạn chế nguy cơ hao mòn vỏ máy bay.

"Giảm độ ẩm trong khoang hành khách là việc rất cần thiết để tránh hiện tượng khoang hành khách bốc mùi hôi. Đó là vấn đề chúng tôi lo lắng nhất", Barton tiết lộ.

Để kích hoạt máy bay hoạt động trở lại, các kỹ thuật viên cần chuẩn bị trong 3 ngày. Họ sẽ tháo màn che máy bay, làm sạch hệ thống nước, kiểm tra nhiên liệu, dây chuyền và các danh mục khác.

"Đừng nghĩ rằng cứ để yên và máy bay có thể bay trở lại bình thường. Chúng tôi phải kiểm tra kĩ lưỡng mọi thứ", Barton nói.

Chi phí đậu mỗi máy bay ở các sân bay sa mạc dao động ở mức 10-14 USD/ngày, rẻ hơn nhiều so với những địa điểm đông đúc như thành phố San Francisco. Ngược lại, chi phí bảo dưỡng định kì khá lớn. 

Cửu Dương