Nở rộ kinh doanh buồng karaoke mini
20h, tại trung tâm thương mại trên đường Xuân Thuỷ, Minh (24 tuổi) cùng người bạn đứng xếp hàng mua xu để vào karaoke box - một chiếc hộp cách âm, rộng chưa tới 2 m2.
Thích hát karaoke, song nếu ra các cửa hàng trên mặt phố, Minh cho biết phải mất chi phí rất cao, chẳng mấy chốc mà tiêu tốn tiền triệu. Tuy nhiên, nếu mua xu tại karaoke box thì một buổi tối ca hát của Minh và vài người bạn chỉ tốn khoảng 100.000 đến 200.000 đồng.
"So với phòng hát truyền thống, tôi không phải đặt phòng trước cũng như không phải tốn kém cho các khoản phí khác như đồ uống, hoa quả và các món ăn vặt khác", Minh nói.
Anh cho biết, không chỉ đến đây vào các ngày cuối tuần, mỗi khi đi xem phim hoặc dạo chơi xung quanh khu vực này, anh lại vào xả stress.
Một khách hàng người Hàn Quốc đứng chờ vào box karaoke tại một trung tâm thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Minh Châu
Karaoke box là một phòng hát mini rộng khoảng 1,5-2 m2, cao hơn 2 m, trong đó được trang bị các thiết bị như dàn âm thành, mic, màn hình cảm ứng kết nối mạng internet, hai chiếc ghế.
Các phòng hát cũng được cách âm và có điều hoà không khí. Muốn sử dụng máy, khách mua xu sau đó thả vào. Mỗi xu có giá 3.000-5.000 đồng sẽ được hát trong 3-3,5 phút. Theo đó, mỗi giờ đồng hồ, khách tốn khoảng 80.000 đồng.
Một số máy karaoke box có khe đặt tiền mặt vào máy, giá cũng khoảng 80.000 - 100.000 đồng mỗi giờ.
Trào lưu kinh doanh box karaoke mini manh nha khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên, gần đây nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh để tăng số máy tại các trung tâm thương mại.
Cuối năm 2017, Công ty cổ phần SM Corp chuyên cung cấp thiết bị ngành karaoke bắt tay phát triển dự án Okara Studio.
Sau 2 năm, đơn vị này có hơn 100 địa điểm khắp cả nước. iKool - đơn vị chuyên phát triển hệ thống nhà hàng karaoke sau hơn một năm cũng phát triển được 50 địa điểm đặt các box karaoke tại trung tâm thương mại.
Trong khi đó, là một doanh nghiệp ngành game, Gold game cũng tham gia kinh doanh dịch vụ karaoke box bên cạnh các khu vui chơi ở các trung tâm thương mại...
Các box hát hoặc phòng thu di động tại trung tâm thương mại thường đặt cạnh các rạp chiếu phim, khu vui chơi, có các ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Hàn và Trung Quốc... Ngoài khách Việt là giới trẻ, khách Hàn Quốc cũng rất chuộng loại hình giải trí này.
Một khách hàng người Hàn sống tại Mỹ Đình cho biết, anh thường tranh thủ thời gian chờ vợ đi mua sắm hoặc lúc chờ giờ xem phim để vào hát. Cả 2 vợ chồng anh và các con đều thích được giải trí bằng hình thức này bởi sự tiện lợi.
"Doanh thu trung bình mỗi tháng khoảng 20-30 triệu đồng, tuỳ từng địa điểm", anh Tuấn, quản lý các box karaoke mini tại một số trung tâm thương mại ở Đống Đa cho biết.
Bên cạnh phòng hát karaoke mini, một số đơn vị còn triển khai mô hình phòng thu di động. Đến đây, khách hàng không chỉ hát, thu âm mà còn có thể thu hình để tự tạo cho mình những video ca nhạc theo ý muốn với hiệu ứng, phông nền bài hát.
Công ty Hanet Electronic Việt Nam - một doanh nghiệp phát triển các công nghệ cho karaoke đã đầu tư dự án phòng tạo MV di động có tên gọi Lizks Studio, đồng thời có hợp tác kinh doanh nhượng quyền.
Phí phòng thu tính theo gói từ 20.000 đồng với 10 phút đến 100.000 đồng với 60 phút hát. Người dùng nạp tiền trực tiếp hoặc thanh toán qua ứng dụng.
Sau khi hát xong, kết thúc bài hát người dùng sẽ nhận file ghi âm giọng hát qua số điện thoại hoặc ứng dụng. Bên cạnh đó, Hanet cũng phát triển mạng xã hội ca hát để người dùng chia sẻ các bản thu âm, MV ca nhạc của mình.