Ninh Thuận sản xuất và phân phối điện có mức tăng trưởng cao nhờ giải bài toán giảm phát
Giải bài toán giảm phát
Tại buổi họp báo quí II/2020, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Báo cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, các nhóm ngành công nghiệp chế tạo, chế biến của tỉnh giảm mạnh tuy nhiên giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 4.381 tỉ đồng, tăng 26,1% so với cùng kì năm 2019.
Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 237,23%. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, kết quả trên là nhờ khâu đột phá về năng lượng được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến mạnh mẽ của nhiều dự án điện gió (ĐG), điện mặt trời (ĐMT).
Đặc biệt, dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500 kV và các dự án hạ tầng truyền tải khác được tập trung đầu tư bứt phá qua đó làm giảm đáng kể tỉ lệ giảm phát từ 60% xuống chỉ còn 30%.
Mới đây, ngày 29/6, trạm biến áp Ninh Phước đã đóng điện đưa vào vận hành cơ bản giải quyết tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo.
Theo Sở Công thương Ninh Thuận, chỉ trong 6 tháng ngành điện Ninh Thuận đã hoàn thành 7 dự án ĐMT với công suất 394 MW. Cụ thể là dự án ĐMT Thiên Tân 40 MW, ĐMT Xuân Thiện 125 MW, ĐMT Xuân Thiện 2: 75 MW, ĐMT Mỹ Sơn 1: 50 MW; ĐMT Mỹ Sơn 2: 40 MW; ĐMT Phước Ninh 36MW và ĐMT Solar farm Nhơn Hải.
Bên cạnh đó, ngành điện cùng hoàn thành 16 trụ ĐG tại dự án ĐG Trung Nam. Như vậy, đến nay số dự án năng lượng tái tạo của Ninh Thuận đi vào hoạt động là 29 dự án với 1.758,55 MW.
Kì vọng năng lượng tái tạo
Trước đây, dù các dự án năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động nhưng đường dây truyền tải không đủ công suất nên nhiều dự án buộc phải giải phát hơn 50% công suất.
Để giải phóng công suất, ngành điện lực cùng với chủ các dự án đã đầu tư mạnh mẽ vào hệt thống truyền tải như đưa trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đường dây đấu nối vào hoạt động đã tăng khả năng giải tỏa công suất khoảng 500MW.
Những hạng mục khác như thay dây dẫn đường dây 110 kV Tháp Chàm - Ninh Phước đã tăng khả năng giải tỏa công suất khoảng 50MW. Phân pha dây dẫn 110 kV tiếp tục tăng khả năng giải tỏa công suất khoảng 50MW.
Việc xây dựng đường dây 110kV và Trạm 220kV Tháp Chàm 2 - Ninh Phước tiếp tục tăng khả năng giải tỏa công suất thêm khoảng 140MW. Xây dựng đường dây 110kV mạch 2 Ninh Phước - Tuy Phong- Phan Rí (tỉnh Bình Thuận-Ninh Thuận) dài 30km cũng tăng khả năng giải tỏa công suất khoảng 50MW.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, về mặt giải tỏa công suất điện của các dự án đã đi vào hoạt động hầu như giải tỏa xong. Hiện chỉ còn 3 dự án ĐMT Phước Ninh đang phải giảm phát 20% công suất vì đường dây truyền tải Ninh Phước – Tuy Phong - Phan Rí bị quá tải buộc phải giảm phát.
Ngành điện đang đầu tư mạch 2 ở khu vực này, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành đảm bảo giải tỏa 140MW qua đó giải phóng hết công suất của 3 dự án này.
Ngoài ra, Ninh Thuận có 31 dự án điện năng lượng tái tạo đã được bổ sung qui hoạch, cấp giấy phép đầu tư với khoảng 2.200 MW nên cần thêm 1 trạm 500KV để tỏa hết công suất. Theo đó, sau khi được Bộ Công Thương đồng ý, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã đầu tư xây dựng trạm biến áp 500kV và đường dây 500kV, 220kV tư nhân đầu tiên tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.
Theo kế hoạch, cuối năm 2020, khi trạm 500KW của Trung Nam đi vào hoạt động thì sẽ giải phóng được thêm 1.800MW điện. Như vậy, nếu đồng bộ hết các lưới điện, tổng công suất có thể đáp ứng là 3.600MW, trong khi tổng công suất phát ĐMT, ĐG và thủy điện của Ninh Thuận chỉ 2.500MW, dư đến 900MW.
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đến nay đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió, tổng công suất 678 MW, tổng vốn đầu tư đăng kí 22.176 tỉ đồng.
Đến nay, 3 dự án đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 181 MW; dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm một dự án đi vào hoạt động, nâng tổng quy mô và công suất tích lũy đưa vào vận hành thương mại lên 229 MW, tổng sản lượng điện ước đạt khoảng 467 triệu kWh. Các dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư nhưng vướng thủ tục bổ sung qui hoạch đấu nối.
UBND tỉnh cũng đã cấp quyết định đầu tư cho 34 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 2.343 MW, tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỉ đồng.
Đến nay, 23 dự án đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 1.403 MW, dự kiến đến cuối năm 2020 tiếp tục có 8 dự án đưa vào vận hành, với tổng công suất 720 MW; nâng tổng số dự án đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2020 là 31 dự án, với tổng công suất 2.123 MW, tổng sản lượng điện ước đạt 2.557 triệu kWh.