|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khách hàng được mua điện tái tạo trực tiếp?

07:45 | 14/05/2020
Chia sẻ
Việc thí điểm bán điện tái tạo trực tiếp cho khách hàng được xem là động thái tích cực để thúc đẩy vận hành thị trường điện cạnh tranh

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành quyết định phê duyệt chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo và khách hàng. Tờ trình nêu rõ nguyên tắc vận hành của mô hình là giá điện được tính bằng giá mua điện của các tổng công ty điện lực trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong từng chu kỳ giao dịch, cộng với chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp tính trên một đơn vị điện năng. 

Chi phí này gồm giá truyền tải điện, chi phí phân phối điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và dịch vụ phụ trợ trên hệ thống điện. Các tổng công ty điện lực sẽ thanh toán lại những chi phí này cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ tương ứng, theo từng thành phần đã được xác định.

"Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy vận hành thị trường điện cạnh tranh và thúc đẩy phát triển, sử dụng các nguồn điện tái tạo. Khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo ký kết trực tiếp hợp đồng tối thiểu 10 năm, mức giá và sản lượng hợp đồng hai bên tự thỏa thuận" - Bộ Công Thương cho hay.

Nhận xét về chương trình này, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc thí điểm bán điện thông qua hợp đồng trực tiếp với khách hàng nên làm càng nhanh càng tốt. Bởi không sớm thì muộn, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh phát triển, mỗi khách hàng sẽ có quyền tự do lựa chọn người cấp điện cho mình. "Với cơ chế này, nhà máy năng lượng tái tạo vẫn phải kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia và bán điện cho khách hàng thông qua hệ thống này. Chỉ khác đây là hợp đồng mua bán được ký trực tiếp của công ty điện với khách hàng mà không phải qua công ty phân phối thuộc EVN. Đây là bước tiến đáng kể" - ông Long nói và hy vọng khách hàng có thể mua điện với giá rẻ hơn.

Khách hàng được mua điện tái tạo trực tiếp? - Ảnh 1.

Có ý kiến cho rằng chỉ khi nào tư nhân hóa được lưới truyền tải điện, cơ chế bán điện trực tiếp mới có ý nghĩa. Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam (chủ đầu tư các dự án điện tái tạo), đánh giá cơ chế thí điểm này sẽ là tiền đề tiến tới hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, hỗ trợ DN có được chứng chỉ xanh cho sản phẩm của mình nhưng vẫn không thể là "một cuộc cách mạng" về mua bán điện.

Tuy nhiên, ông Lê Anh Tùng nhấn mạnh cơ chế này chỉ thực sự có hiệu quả khi tách bạch được truyền tải và kinh doanh. "Có thị trường riêng cho truyền tải mới minh bạch được giá truyền tải. Nếu ký hợp đồng bán điện trực tiếp từ bên bán với bên mua mà vẫn kinh doanh trên hạ tầng của ngành điện thì vẫn bị phụ thuộc và rất có thể bị "nhà đèn" ép nâng chi phí. Khi đó, giá truyền tải của hợp đồng trực tiếp không còn tính cạnh tranh nữa" - ông Tùng phân tích.

Mặt khác, cũng theo ông Lê Anh Tùng, hợp đồng bán trực tiếp điện tái tạo có thể gặp vướng mắc ở chỗ nguồn điện quá xa khách hàng. Khi đó, với cơ chế hòa chung lên lưới và không thể tách bạch các nguồn điện, sẽ xảy ra tình huống bên bán điện lựa chọn truyền điện từ nguồn gần khách hàng nhất dù đó không phải là nguồn điện tái tạo. "Như vậy, với những DN cần chứng nhận xanh và cam kết sử dụng điện tái tạo thông qua xây dựng hợp đồng mua bán điện tái tạo trực tiếp thì giấy chứng nhận chỉ có ý nghĩa hình thức. Việc kiểm soát sử dụng điện tái tạo cũng sẽ rất khó" - ông Tùng nói.

Một số DN cho rằng khi vẫn truyền tải điện trên lưới quốc gia, bản chất mua bán điện sẽ không thay đổi nhiều. Do vậy, chỉ khi tư nhân hóa được lưới truyền tải điện, cơ chế bán điện trực tiếp mới có ý nghĩa. Và cũng từ đó, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh mới thực sự hoàn thiện. 

EVNHCMC đẩy mạnh phát triển điện mặt trời

box

EVNHCMC ký kết biên bản ghi nhớ với các đơn vị cung cấp sản phẩm

Chiều 12-5, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) đã ký kết hợp tác điện mặt trời với 3 đối tác là Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa, Công ty CP VES và Công ty CP Năng lượng TTC. Theo nội dung ký kết, EVNHCMC sẽ phối hợp với các nhà cung cấp triển khai các chương trình ưu đãi lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn TP nhằm khuyến khích người dân và DN quan tâm sử dụng điện mặt trời.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, mong muốn thông qua các chương trình ưu đãi này sẽ có nhiều người dân và DN được sử dụng nguồn điện xanh và sạch với chi phí hợp lý, thủ tục đấu nối thuận tiện, qua đó tiết kiệm chi phí tiền điện phải trả; đồng thời góp phần xây dựng TP HCM thực sự là đô thị thông minh, có môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Tính đến ngày 11-5, toàn TP có 6.835 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 88,78 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới đến nay đạt 30,49 triệu KWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng). EVNHCMC phấn đấu vận động người dân và DN thực hiện lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt mức công suất 200 MWp.

T.Nhân

Thùy Dương