|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao phải chia giá điện thành 5 bậc 'rối rắm'?

21:05 | 06/03/2020
Chia sẻ
Biểu giá điện 1 bậc có ưu điểm rõ ràng, đơn giản, giúp khách hàng dễ theo dõi. Tuy nhiên, phương án này không được lựa chọn bởi Việt Nam chưa có điều kiện để áp dụng cách tính đồng giá.

Chỉ một bậc giá điện

Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện hành, gồm: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc; trong đó phương án 5 bậc có 2 kịch bản.

Với các phương án đưa ra, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1. Ở kịch bản này, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Vì sao giá điện không để “đồng giá" mà phải chia 5 bậc rối rắm?

Tại tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” chiều nay (6/3), ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương - cho biết: Căn cứ vào chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của nhiều khách hàng, Bộ Công Thương đã đề xuất một số phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt theo hướng giảm số bậc thang.


Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị mức sản lượng bậc 1 lên 100 kWh phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.

Trong các phương án đưa ra cũng có tính đến để đồng nhất 1 bậc. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng phương án 1 bậc có ưu điểm rõ ràng, đơn giản, giúp khách hàng dễ theo dõi.

Tuy nhiên, phương án này không được Bộ Công Thương lựa chọn bởi theo ông Tuấn, việc chia nhiều bậc để người sử dụng nhiều phải trả giá điện cao hơn, khuyến khích người dân tiết kiệm điện bởi đây là hàng hoá đặc biệt. Ông Tuấn cho biết hầu hết các nước đều sử dụng giá điện bậc thang.

GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho biết: Giá điện bậc thang không chỉ mình Việt Nam áp dụng mà rất nhiều nước trên thế giới sử dụng.

Theo chuyên gia Trần Đình Long, đây là công cụ hữu hiệu để điều tiết giá điện. Những người khó khăn trong việc thanh toán tiền điện sẽ được ưu đãi, còn người dùng quá nhiều mức cần thiết là những người có khả năng chi trả tốt cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm.

Tuy nhiên, mức chênh lệch giá cao nhất với thấp nhất giữa các nước có thể khác nhau.

Thảo luận chủ đề này tại toạ đàm, TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá - cũng cho rằng việc chia nhiều bậc là hợp lý đối với thị trường Việt Nam hiện nay.

Ông Thỏa chia sẻ bản thân cũng nhận được nhiều câu hỏi vì sao không đồng giá cho dễ tính toán.

Theo ông Thỏa, thực tế trên thế giới vẫn có những nước để 1 bậc giá điện như Singapore. Nhưng nhiều nước khác để nhiều bậc như Hàn Quốc (6 bậc), Nhật Bản (3 bậc)...

Vì sao phải chia giá điện thành 5 bậc 'rối rắm'? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Ông Thỏa cho rằng hiện Việt Nam chưa có điều kiện để áp dụng đồng giá. Cụ thể, Việt Nam chưa giải tốt bài toán nguồn cung ứng điện.

“Cung về điện chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điện của chúng ta sản xuất chủ yếu từ tài nguyên không tái tạo, đang ngày càng cạn kiệt. Do vậy buộc phải tạo áp lực về giá để khuyến khích tiết kiệm điện” - vị chuyên gia cho biết.

Tiếp lời ông Thỏa, ông Trần Đình Long cho biết tương lai cũng sẽ tính toán việc để 1 bậc giá, đó là thời điểm khi thị trường bán lẻ điện hoàn tất. Theo lộ trình sẽ phấn đấu còn 3 bậc rồi sau đó 1 bậc.

Bất cập trong cách tính giá điện

Tuy nhiên, điều mà ông Trần Đình Long còn băn khoăn, đó là giá bán điện ở Việt Nam có một điểm không hợp lí.

"Hiện nay chúng ta xây dựng biểu giá bậc thang trên cơ sở từng hộ tiêu thụ nhưng như vậy chưa đảm bảo công bình. Thay vào đó, nên thực hiện với từng công dân, bởi có những hộ sống độc thân, cũng có những hộ 10 người hoặc hơn" - ông Trần Đình Long nói.

Như vậy, với hộ càng đông bao nhiêu thì càng thiệt bấy nhiêu. Bởi rõ ràng nếu 200 kWH nhưng nếu sống 1 mình thì có lợi hơn nhiều so với gia đình 6 người hoặc nhiều hơn.

Cũng theo ông Long, tương lai biểu giá điện nên nghiên cứu giảm còn 3 bậc, các bậc ấy tính theo từng người sử dụng điện. Việc này ông Long cho rằng không gây khó đối với EVN vì hợp đồng mua bán điện chỉ cần ghi thêm bao nhiêu người là được.

Trả lời ý kiến của ông Long, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Phương pháp trên rất khoa học, cần xem xét. Tuy nhiên, quyết định chính sách phải thuận tiện, đơn giản. Nếu quay lại quản lý số nhân khẩu thì phức tạp. Thay vào đó, ông Tuấn cho biết nếu gia đình nhiều thế hệ có thể làm nhiều hợp đồng.

Nguyễn Mạnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.