Nikkei: Việt Nam và Đài Loan chạy đua để bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi COVID-19
Việt Nam ưu tiên hoạt động của các ông lớn công nghệ ngoại
Theo Nikkei, vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ hàng đầu châu Á, phục vụ hàng loạt ông lớn thế giới từ Samsung và Apple đến Sharp và LG.
Ngoài ra, cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của gã khổng lồ ngành bán dẫn Intel cũng đặt tại Việt Nam. Hàng chục nhà cung ứng lớn nhỏ của "táo khuyết" cũng xây dựng nhà máy tại nước ta khi dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Đồ điện tử và linh kiện công nghệ qua đó trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vì vậy, không hề khó hiểu khi Việt Nam đang ra sức bảo vệ lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử trong nước.
Ban đầu, phản ứng nhanh chóng của Việt Nam đã giúp các gã khổng lồ công nghiệp trên tiếp tục hoạt động dù thế giới đang phong tỏa trên diện rộng. Trong năm 2020, nước ta chỉ báo cáo khoảng 1.500 ca nhiễm và 35 ca tử vong do COVID-19, Nikkei viết.
Song, hiện tại chúng ta đang phải vật lộn để kiềm chế làn sóng lây nhiễm thứ 4 và cũng là nghiêm trọng nhất. Kể từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam liên tục báo cáo hàng chục đến hàng trăm ca bệnh mới mỗi ngày, nhiều biến thể và cụm dịch chưa rõ nguồn lây nhiễm.
Khác với các đợt bùng phát trước, làn sóng lây nhiễm mới đang gây ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất thiết bị và linh kiện cho ít nhất 10 thương hiệu quốc tế. Các nhà cung ứng của Canon, Foxconn và Luxshare và 13 đối tác của Samsung (bao gồm nhà máy Hosiden) đều đang tạm dừng hoạt động để chống dịch.
Ngày 28/5, hai công ty sản xuất linh kiện cho Foxconn tại Bắc Giang đã hoạt động trở lại sau 10 ngày tạm dừng do ảnh hưởng từ COVID-19.
Trong bối cảnh ngành chế tạo thiết bị điện tử có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, chính phủ Việt Nam đang rất muốn giữ cho chuỗi cung ứng trong nước hoạt động trơn tru.
Giữa tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo rằng các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi có các khu công nghiệp trọng điểm", vẫn còn "nguy cơ rất cao". Chuỗi cung ứng của Samsung trải dài ở cả hai tỉnh và Thủ tướng đã nêu đích danh gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này khi thúc giục chính quyền các cấp kiểm soát dịch bệnh.
Những nơi trọng điểm dịch như các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh đang được chính phủ ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Đài Loan bảo vệ ngành chip
Đài Loan là thị trường cung ứng chip tiên tiến quan trọng nhất thế giới. Chất bán dẫn sản xuất ở nền kinh tế này được dùng cho mọi sản phẩm từ xe hơi, điện thoại thông minh đến máy chủ máy tính và máy chơi game.
Tương tự Việt Nam, Đài Loan từng được khen ngợi nhờ chính sách kiểm soát COVID-19 khi đại dịch mới bùng phát. Song, chỉ trong 13 ngày từ 14 đến 26/5, Đài Loan báo cáo đến 4.798 trường hợp dương tính, nhiều hơn gấp ba lần tổng số ca bệnh trước đó.
Đối với đảo Đài Loan, bảo vệ ngành công nghiệp chip hoạt động trơn tru là ưu tiên hàng đầu, Nikkei đưa tin.
Bà Wang Mei-hua - người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan, đã khuyến khích người dân làm việc tại nhà. Tuy nhiên, bà vẫn cho biết rằng ngay cả khi chính quyền Đài Loan tiếp tục nâng mức cảnh báo dịch bệnh, cơ quan của bà đảm bảo chuỗi cung ứng quốc tế sẽ không bị đứt quãng.
"Đài Loan cung ứng chất bán dẫn, sản phẩm công nghệ thông tin và máy móc cho thế giới. Điều quan trọng là chúng ta phải làm sao để duy trì hoạt động sản xuất trong hoàn cảnh như thế này", bà Wang phát biểu hồi cuối tuần trước.
"Các doanh nghiệp cần phải phản ứng nhanh nhạy nếu một công nhân trong dây chuyền nhiễm COVID-19", vị lãnh đạo kêu gọi.
Theo Nikkei, một số công ty công nghệ lớn như Foxconn đang cố gắng tự mua vắc xin để duy trì hoạt động sản xuất. Nguồn tin của Nikkei cho biết kế hoạch của các doanh nghiệp này là mua vắc xin từ nhà cung ứng nước ngoài và dùng 10% cho nhân viên, trong khi quyên góp phần còn lại cho chính quyền địa phương.
Ý tưởng mua vắc xin xuất hiện sau khi một số công ty báo cáo các trường hợp dương tính đã được cách ly trong nội bộ doanh nghiệp. Taiwan Semicondutor Manufacturing (TSMC) - hãng chip hợp đồng lớn nhất thế giới và Quanta Computer - một nhà cung ứng máy chủ của Google kiêm đối tác cho dòng sản phẩm MacBook của Apple,... là hai trong số đó.