[Infographic] Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 5 khi đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 4
Theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tháng 5, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi.
Sản xuất nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chăm sóc lúa đông xuân, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng tại các địa phương phía Bắc; chăm sóc, thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam.
Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào trồng rừng mới vụ xuân hè, đẩy mạnh khai thác gỗ ở nhiều địa phương có diện tích rừng đã đến tuổi khai thác với giá thu mua gỗ ổn định.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thủy sản tăng với mức giá tăng so với cùng kỳ năm trước, thời tiết của ngư trường thuận lợi cho khai thác xa bờ.
Sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 5/2021 tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát lần thứ 4 tại nhiều tỉnh/thành phố nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch trong tháng 5. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 33,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 5/2021 tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về vận tải hành khách và hàng hóa 5 tháng đầu năm, vận chuyển hành khách tăng 4,2%, luân chuyển hành khách tăng nhẹ 0,1% và vận chuyển hàng hóa tăng 10,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,2%.
Riêng khách quốc tế đến nước ta 5 tháng đầu năm 2021 giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.