|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những vụ tin tặc khiến nhà băng Việt khốn đốn

11:27 | 12/08/2016
Chia sẻ
Chỉ vài ngày sau cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình tội phạm tấn công hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) các tổ chức tín dụng thì Vietcombank bất ngờ trở thành mục tiêu.

Các trang truyền thông cho hay xuất hiện một tài khoản khách hàng tại Vietcombank “không cánh mà bay” đi 500 triệu đồng. Theo khách hàng thì số tiền trên bị chuyển khoản qua tài khoản khác bằng internet banking từ ngày 03-04/08/2016.

Sau đó, lãnh đạo Vietcombank đã báo cáo vụ việc lên NHNN.

Những ngày qua, Vietcombank đã liên tục gửi tin nhắn và thư điện tử khuyến cáo khách hàng của mình phòng tránh rủi ro trong giao dịch và sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Vietcombank cảnh báo có nhiều phương thức được kẻ gian sử dụng để lừa đảo khách hàng như giả mạo nhân viên Vietcombank lừa chuyển tiền, giả mạo thông báo hoặc màn hình đăng nhận tài khoản VCB-iB@nking...

Theo Vietcombank, những rủi ro trên hoàn toàn có thể phòng tránh, cùng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin bảo mật dịch vụ.

Thời gian qua, xuất hiện nhiều chuỗi sự kiện liên quan đến website của các doanh nghiệp lớn hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế bị tấn công, dư luận đang hết sức hoang mang, đặc biệt là từ sau vụ việc website của Vietnam Airlines bị tấn công.

Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng cảnh báo tình hình tội phạm tấn công các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng đối với các TCTD và các tổ chức trung gian thanh toán. NHNN yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, kiểm tra an toàn an ninh, bảo mật hệ thống CNTT, đặc biệt là các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên Internet…

nhung vu tin tac khien nha bang viet khon don

Nhìn lại những vụ việc tấn công vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, mục tiêu đầu tiên là Techcombank vào tối ngày 24/07/2008. Website của Ngân hàng đã bị hacker tấn công và để lại thông điệp cảnh báo lỗi ở một trong web bên trong. Nguyên nhân được xác định do một số lỗi từ máy chủ đặt ở nhà mạng FPT khiến các đối tượng lợi dụng tấn công lên website của khách hàng.

Sự cố chỉ ảnh hưởng đến giao diện của web cung cấp thông tin của Techcombank, không ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu của khách hàng và ngân hàng.

Kế đến là TPBank vào giữa tháng 5/2016. May mắn là Ngân hàng đã xác định được một số yêu cầu đáng ngờ thông qua các tin nhắn của hệ thống chuyển tiền SWIFT nhằm chuyển hơn 1 triệu Euro, sau đó đã ngăn chặn việc chuyển tiền của bọn tội phạm bằng cách liên hệ với các bên có liên quan.

Sau đó, TPBank cho biết, việc chuyển tiền của bọn tội phạm được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng của một nhà cung cấp thuê ngoài được kết nối với hệ thống tin nhắn chuyển tiền SWIFT của Ngân hàng.

Vài ngày sau vụ việc của TPBank thì BIDV và HSBC lên tiếng vụ khách hàng khiếu nại bị hack tài khoản Facebook. Sau đó, BIDV thực hiện quyền khiếu nại với ngân hàng thanh toán vụ khách hàng báo bị hack thẻ quảng cáo cho Fanpage Facebook lạ. HSBC làm thủ tục hoàn tiền cho khách hàng trong một sự vụ tương tự.

Có thể thấy, khi nền kinh tế ngày càng được số hóa thì sự tiện ích cũng sẽ đi kèm không ít rủi ro. Việc kiểm soát an ninh mạng, bảo mật thông tin sẽ không là chuyện của riêng ai.

Tiến Vũ (Tổng hợp)